Dấu ấn Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ

Gia nhập cộng đồng Pháp ngữ từ năm 1979, Việt Nam đã ghi dấu ấn là một thành viên tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tăng cường vị thế của cộng đồng trên trường quốc tế. Những thành quả đạt được trong chặng đường hơn 40 năm hợp tác cùng phát triển là nền tảng quan trọng để hai bên tiếp tục đồng hành, gặt hái nhiều thành công hơn nữa.

Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam - Pháp ngữ. (Ảnh NGUYỄN HÀ)
Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam - Pháp ngữ. (Ảnh NGUYỄN HÀ)

Sau hơn 50 năm hình thành và phát triển, cộng đồng Pháp ngữ đã từng bước chuyển mình, trở thành một không gian chính trị-kinh tế-văn hóa đa dạng, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trên thế giới. Ðến nay, cộng đồng Pháp ngữ đã trở thành mái nhà chung của 88 thành viên và quan sát viên, hiện diện tại năm châu lục trên thế giới. Với tổng dân số khoảng 1,2 tỷ người, cộng đồng Pháp ngữ chiếm gần 20% trao đổi thương mại và 16% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới.

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng Pháp ngữ, Việt Nam luôn đồng hành cùng tiến trình phát triển của cộng đồng. Năm 1997, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7. Ðây là hội nghị cấp cao đầu tiên và duy nhất của cộng đồng Pháp ngữ được tổ chức tại châu Á tính đến thời điểm hiện nay. Ðối với cộng đồng Pháp ngữ, hội nghị là sự kiện mang tính bước ngoặt, mở ra một giai đoạn phát triển mới. Hội nghị đã góp phần hoàn thiện thể chế cũng như định hướng phát triển của cộng đồng Pháp ngữ.

Với vai trò và vị thế ngày càng được khẳng định trong cộng đồng Pháp ngữ, trong những năm qua, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng như Chủ tịch Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF), Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF), Chủ tịch Hội nghị cấp cao Pháp ngữ... Những vị trí quan trọng mà Việt Nam đảm nhiệm thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng đối với Việt Nam cũng như uy tín của Việt Nam trong cộng đồng.

Hiện nay, với những đóng góp đầy đủ và thực chất trong hầu hết vấn đề ưu tiên của cộng đồng, từ hoạch định chiến lược hợp tác, thúc đẩy cải cách hành chính, Việt Nam là quốc gia có tiếng nói quan trọng đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của cộng đồng Pháp ngữ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục đào tạo.

Từ nhiều năm qua, Việt Nam đã trở thành đầu tàu của cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Cơ quan Ðại học Pháp ngữ được đặt tại Hà Nội từ đầu những năm 1990. Trung tâm đào tạo Pháp ngữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng được đặt tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trong cuộc gặp Tổng Thư ký OIF Louise Mushikiwabo (L.Mu-si-ki-oa-bô) nhân chuyến thăm chính thức Pháp năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hợp tác với cộng đồng Pháp ngữ, đồng thời chủ trương đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của cộng đồng. Trên tinh thần đó, những năm gần đây, Việt Nam tiếp tục có những đóng góp trách nhiệm, tích cực và hiệu quả trong cộng đồng, nhất là về thúc đẩy hợp tác kinh tế.

Việt Nam là nước điều phối xây dựng thành công Chiến lược kinh tế Pháp ngữ giai đoạn 2020-2025, đồng thời cũng là quốc gia đầu tiên đoàn doanh nghiệp Pháp ngữ đến trong chuỗi hoạt động triển khai chiến lược này. Việc lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên thể hiện sự coi trọng đặc biệt của cộng đồng đối với vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác kinh tế Pháp ngữ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ với nhiều quốc gia thành viên cộng đồng Pháp ngữ. Nhiều quốc gia Pháp ngữ ở châu Phi đang trở thành đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của Việt Nam. Trong những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ luôn ổn định và ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn. Bất chấp những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các thành viên OIF đã tăng ấn tượng trong năm 2021, với kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 32,95 tỷ USD. Coi Việt Nam là tấm gương thành công trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, các nước mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Triển khai đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, từ nhiều năm qua, Việt Nam luôn là một thành viên đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào sự phát triển của cộng đồng. Trên cơ sở nền tảng vững chắc mà hai bên cùng vun đắp, Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ hợp tác, đối tác lâu dài, bền vững trong thời gian tới.