Tăng cường hợp tác, giao thương giữa Hà Nội và Viêng Chăn

Giữa Thủ đô Hà Nội và Thủ đô Viêng Chăn (Lào) có nhiều điểm tương đồng và có thể bổ trợ cho nhau trong phát triển kinh tế. Vì vậy, hai bên đang tích cực trao đổi, hợp tác, giúp nhau cùng phát triển, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị ngày càng hiệu quả, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân làng nghề sơn mài của Hà Nội giới thiệu sản phẩm tới Ðoàn công tác của Sở Công thương Viêng Chăn (Lào).
Nghệ nhân làng nghề sơn mài của Hà Nội giới thiệu sản phẩm tới Ðoàn công tác của Sở Công thương Viêng Chăn (Lào).

Những ngày vừa qua, Ðoàn công tác của Sở Công thương Viêng Chăn (Lào) đã sang làm việc, học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực công thương tại thành phố Hà Nội. Ðoàn đã đi khảo sát thực tế tại một số trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, làng nghề trên địa bàn Thủ đô, tham quan Triển lãm chuyên đề các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngành gốm sứ-sơn mài năm 2023...

Giám đốc Sở Công thương Viêng Chăn Vanmany Phimmasan chia sẻ: “Sau những ngày làm việc và tham quan thực tế tại Hà Nội, điều chúng tôi ấn tượng nhất đó là Thủ đô Hà Nội rất đông dân, kinh tế đang trên đà phát triển bền vững. Trong các hệ thống phân phối, hàng Việt Nam hiện diện với tỷ lệ cao và được người tiêu dùng yêu thích, nhất là tại các hệ thống siêu thị lớn như Aeon, Lotte, Big C...

Các làng nghề truyền thống của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn được giữ gìn và phát huy một cách hiệu quả. Chúng tôi tới đây vừa muốn học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, vừa tìm kiếm cơ hội hợp tác để đôi bên đồng hành, hỗ trợ nhau cùng phát triển”.

Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp sản xuất mây tre đan, gốm sứ... của Hà Nội, phía Sở Công thương Viêng Chăn nhận thấy, các doanh nghiệp của Hà Nội có những đơn hàng xuất khẩu rất lớn. Nếu các sản phẩm làng nghề của Lào có thể kết nối, đưa qua hệ thống các doanh nghiệp của Hà Nội thì có thể giúp thúc đẩy xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Ðại diện Sở Công thương Hà Nội đánh giá: “Chúng tôi thấy Lào cũng có nhiều sản phẩm chất lượng rất tốt như cà-phê, tiêu, ớt... Một số hàng thủ công mỹ nghệ có mẫu mã bắt mắt, phù hợp với xu hướng thị trường thế giới”.

Trong tháng 4/2023, thành phố Hà Nội đã tổ chức Ðoàn giao dịch xúc tiến thương mại, làng nghề tại Lào năm 2023 và làm việc với Sở Công thương Viêng Chăn. Sau sự kiện này, các doanh nghiệp của hai bên đã ký kết 13 Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) và triển khai từng bước, có những doanh nghiệp của Lào đã sang các làng nghề của Việt Nam tham quan, học tập kinh nghiệm.

“Chúng tôi đang tăng cường công tác xúc tiến thương mại để giúp các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội thường xuyên kết nối giao thương với các doanh nghiệp nước bạn Lào. Ðây là thị trường chúng tôi đánh giá rất tiềm năng đối với Hà Nội trong thời gian tới”.

Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội.

Qua những cuộc tiếp xúc, đã có nhiều giải pháp được thống nhất đề ra để hai bên tăng cường và phát huy hiệu quả hợp tác. Trong đó, phía Hà Nội đề xuất phía Viêng Chăn hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề Hà Nội phát triển các vùng nguyên liệu, khai thác nguyên liệu tại Lào để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như gốm, mây, tre đan và một số ngành nghề khác. Phía Viêng Chăn mong muốn triển khai việc hỗ trợ người lao động Lào sang học tập tại các làng nghề của Hà Nội.

Hai bên sẽ kết nối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của nhau, để hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Lào và ngược lại. Trong đó, hai thành phố đang kêu gọi xúc tiến đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm thương mại của Việt Nam tại Lào và của Lào tại Việt Nam, thúc đẩy giao thương giữa hai nước, phục vụ nhu cầu của người dân...

Thời gian qua, hợp tác thương mại giữa thành phố Hà Nội và Lào tăng trưởng khá tốt. Riêng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang Lào ước đạt 200 triệu USD (chiếm tỷ trọng 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội năm 2022), tăng 20% so với năm 2021.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Lào của thành phố Hà Nội ước đạt 211 triệu USD (chiếm tỷ trọng 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội năm 2022), tăng 12,6% so với năm 2021. “Khả năng thâm nhập hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Lào khá khả quan, bởi chất lượng hàng Việt Nam đã được các bạn đánh giá và đón nhận tốt, nhất là các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, gốm, sứ, mây tre đan...

Tuy nhiên, hàng Việt Nam tại thị trường Lào hiện chưa nhiều; do đó, cần tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ hơn trước. Tất nhiên, mỗi thị trường sẽ có thị hiếu và xu hướng tiêu dùng khác nhau. Doanh nghiệp cần nắm bắt nhu cầu của thị trường để từ đó có sự điều chỉnh thiết kế mẫu mã cho phù hợp”-lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội nhấn mạnh.