Ngày 7/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội cho biết, trong tuần (từ ngày 27/9 đến ngày 3/10), toàn thành phố ghi nhận 284 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 5 trường hợp so tuần trước. Bệnh nhân phân bố tại 29 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng (35 bệnh nhân); Thanh Xuân (30 bệnh nhân); Hà Đông (25 bệnh nhân); Thanh Xuân (21 bệnh nhân); Chương Mỹ (18 bệnh nhân). Cộng dồn năm 2024 là 3.814 trường hợp, không có trường hợp tử vong, giảm 78,7% so với cùng kỳ 2023.
Bệnh tay chân miệng cũng ghi nhận 41 trường hợp (giảm 24 trường hợp so với tuần trước). Tính lũy từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 2.112 trường hợp, không có trường hợp tử vong. Ngoài ra, bệnh sởi ghi nhận bốn trường hợp, trong đó có hai trường hợp chưa được tiêm chủng và hai trường hợp đã tiêm vắc xin sởi. Cộng dồn năm 2024 là 17 trường hợp.
Hà Nội: Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng
Cụ thể, bệnh nhân nữ (10 tháng tuổi, địa chỉ Tây Hồ) tiền sử chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi, khởi phát bệnh ngày 15/9, khám tại Bệnh viện Medlatec, xét nghiệm IgM sởi dương tính. Bệnh nhân nam (9 tháng tuổi, địa chỉ Đan Phượng), tiền sử chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi, khởi phát bệnh ngày 27/9, khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, xét nghiệm IgM sởi dương tính. Bệnh nhân nữ (18 tháng tuổi, địa chỉ Hà Đông) đã tiêm vaccine phòng bệnh sởi, khởi phát bệnh ngày 14/9, ban ngày 15/9, khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, xét nghiệm sởi dương tính. Bệnh nhân nữ (21 tháng tuổi, địa chỉ Nam Từ Liêm), tiền sử đã tiêm vaccine phòng bệnh sởi, khởi phát bệnh ngày 20/9, khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, xét nghiệm sởi dương tính.
Đáng chú ý, trong tuần thành phố ghi nhận thêm ba trường hợp ho gà tại các quận, huyện: Đông Anh, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, tăng hai trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn năm 2024 là 236 trường hợp tại 29 quận, huyện, thị xã, không có trường hợp tử vong. Phân bố theo nhóm tuổi có 143 trường hợp dưới hai tháng (60,6%); 46 trường hợp từ 3 đến 12 tháng (19,5%); 20 trường hợp từ 13 đến 24 tháng (8,5%); 17 trường hợp 25-60 tháng (7,2%); 10 trường hợp trên 60 tháng (4,2%). Các dịch bệnh khác như Covid-19, viêm não Nhật Bản, não mô cầu, rubella đều không ghi nhận trong tuần.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch, số mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể gia tăng nhanh thời gian tới do đang ở giai đoạn cao điểm dịch sốt xuất huyết hàng năm. Trong khi đó, bệnh sởi bắt đầu có xu hướng gia tăng, ghi nhận rải rác bệnh nhân trên địa bàn, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ; bệnh ho gà tiếp tục xuất hiện rải rác các ca bệnh, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Ngoài ra, bệnh rubella, não mô cầu, liên cầu lợn, viêm não Nhật Bản... có thể ghi nhận ca bệnh tản phát trong thời gian tới.
Để chủ động phòng, chống các dịch bệnh kịp thời, hiệu quả, nhất là không để dịch bệnh lây lan và bùng phát tại cộng đồng, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục đề nghị ngành y tế các địa phương tục tăng cường hoạt động giám sát dịch bệnh sốt xuất huyết và sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ các trường hợp mắc, nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.
Tiêm chủng vaccine đầy đủ để phòng bệnh cho trẻ hiệu quả. |
Các đơn vị y tế trên địa bàn phối hợp các đơn vị liên quan, đặc biệt là ngành giáo dục tiến hành rà soát tiền sử tiêm chủng vaccine sởi của toàn bộ trẻ em từ 1 đến 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn để chuẩn bị triển khai tổ chức tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi-rubella (MR) cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi chưa tiêm chủng đủ mũi theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND thành phố.
Phối hợp chặt chẽ với ngành thú y để theo dõi sát tình hình dịch bệnh dại trên động vật; triển khai thực hiện các hoạt động liên ngành về phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh; các biện pháp phòng, chống một số dịch bệnh như: sốt xuất huyết, ho gà, sởi, tay chân miệng... Với các bệnh có vaccine, khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.