Tăng cường giải pháp tài chính, giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp

NDO -

Diễn đàn “Tăng cường giải pháp tài chính và giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội 2022” là cơ hội để doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, bài học và cơ hội, cũng như đề xuất những hỡ trọ cần thiết.

Toàn cảnh diễn đàn “Tăng cường giải pháp tài chính và giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội 2022”. (Ảnh: Minh Duy)
Toàn cảnh diễn đàn “Tăng cường giải pháp tài chính và giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội 2022”. (Ảnh: Minh Duy)

Đại dịch Covid-19 trong thời gian qua đã gây ra những tác động không nhỏ tới đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp khi mà các nguồn lực dự trữ đang dần cạn kiệt, nhưng những dấu hiệu phục hồi lại chưa thật sự khả quan. Cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước tiếp tục chịu nhiều sức ép, do sức chống chịu khó có thể đối diện với tình hình phục hồi chậm như hiện nay, đáng chú ý là nhóm doanh nghiệp trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải…

Chiều 21/1, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, phối hợp cùng nhiều cơ quan và Bộ, ban, ngành đã tổ chức diễn đàn “Tăng cường giải pháp tài chính và giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội 2022”, để các chuyên gia kinh tế, nhà quán lý, nhà hoạch định chính sách và tổ chức tài chính cùng nhau tìm kiếm các giải pháp thích ứng trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Diễn đàn được tổ chức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của PGS, TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; TS Lê Minh Nam, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân hàng Quốc hội; PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; và TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nhận định, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát, cả nước đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất và kinh doanh, với mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Các đại biểu đã đánh giá về thực trạng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, những khó khăn trong khủng hoảng nhân lực và tài chính của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như đưa ra nhiều dự báo về nhu cầu vốn trong thời gian tới để thúc đẩy hơn nữa quá trình phục hồi kinh tế.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Minh Nam cho biết, nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đề xuất trong thời gian qua đang gặp những khó khăn do dịch Covid-19. Kèm theo đó, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều hạn chế trong việc thụ hưởng các chính sách. Nhiều nhu cầu cấp thiết của cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết kịp thời. Một trong những yếu tố quan trọng cần đặc biệt chú ý trong vấn đề này là tính kết nối, gắn kết giữa thực tiễn với chính sách.

“Tăng cường giải pháp tài chính và giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội 2022” mong muốn giúp đỡ các doanh nghiệp trên cả nước, trong mọi lĩnh vực từng bước phục hồi, duy trì động lực tang trưởng và phát triển kinh tế-xã hội trong những kế hoạch dài hạn.

Ngân hàng và các tổ chức tín dụng có mối quan hệ đối tác tương hỗ với doanh nghiệp. Vì lý do đó, bà Nguyễn Thị Bích Hường, quyền Trưởng ban thông tin và truyền thông, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đã đề xuất mức khoản vay tín chấp là 1 tỷ đồng cho thời hạn 12 tháng. 

Trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần kiên trì giữ vứng ổn định tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng nhanh chóng, kịp thời trong mọi tình huống biến động, nâng cao chất lượng nhân lực và khả năng cạnh tranh thông qua các giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.