Quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích tiền công đức

Ngày 30/10, Bộ Tài chính ban hành công văn hướng dẫn thực hiện kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa. Ðây là kết quả sau kiểm tra công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn toàn quốc của Bộ Tài chính.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa: NGÔ VƯƠNG ANH)
(Ảnh minh họa: NGÔ VƯƠNG ANH)

Theo hướng dẫn này, các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trừ tỉnh Quảng Ninh) phải ban hành quyết định kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn, trong đó nêu rõ mục đích của nhiệm vụ tổng hợp, đánh giá việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa. Qua đó, giúp cho các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quản lý tiền công đức, tài trợ theo hướng minh bạch, rõ ràng để tạo niềm tin và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế-xã hội của địa phương.

Việc kiểm tra sẽ thực hiện với quá trình tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích.

Ðể thực hiện công việc này, Sở Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp các Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nội vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện kiểm tra tổng thể. Trong các cấp quản lý nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích về mục đích, đối tượng và nội dung kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa.

Trong thực tế, Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội. Tuy nhiên, nguồn thu tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội phải được quản lý, sử dụng theo đúng mục đích, có ghi chép, phản ánh đầy đủ các khoản thu chi, bảo đảm công khai, minh bạch.

Việc mở rộng quản lý hoạt động này của ngành Tài chính cho thấy, bất kỳ hoạt động nào trong đời sống kinh tế-xã hội có hiện tượng tác động tiêu cực tới dư luận hay lệch chuẩn đều cần được điều chỉnh kịp thời, góp phần ổn định đời sống văn hóa, tinh thần cũng như ổn định kinh tế-xã hội.