Tham dự Hội nghị có Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Lê Thanh Hải, đại diện Văn phòng Chính phủ; các Tổng cục: Thuế, Hải quan, Quản lý thị trường; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Cục An ninh kinh tế và đại diện Ban Chỉ đạo 389 của 13 tỉnh khu vực phía bắc, bao gồm: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình.
Trong 9 tháng năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương khu vực phía bắc đã chủ động phối hợp các bộ, ngành, cơ quan Trung ương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm quản lý, ổn định thị trường, an sinh xã hội; chỉ đạo các ngành, lực lượng, đơn vị, địa phương quản lý địa bàn, tăng cường tuyên truyền, kịp thời, kiểm tra, xử lý nghiêm các thông tin đường dây nóng, báo chí phản ánh về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại địa bàn; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm soát định kỳ và đột xuất trên tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm; điều phối các lực lượng phối hợp, tăng cường biện pháp phòng, chống, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chú trọng tập trung công tác xây dựng lực lượng, xử lý những vấn đề nóng, nổi cộm xảy ra trên địa bàn.
Đại diện Ban Chỉ đạo 389 các địa phương phát biểu tại Hội nghị. |
Kết quả, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 15.631 vụ (tăng 46% so cùng kỳ năm 2021). Trong đó: buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, lậu là 3.551 vụ; gian lận thương mại, gian lận thuế 9.154 vụ; hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ 267 vụ.
Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự: 2.764 vụ (tăng 450% so cùng kỳ năm 2021) và 3.268 đối tượng (tăng 780% so cùng kỳ năm 2021); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 429 tỷ đồng (tăng 45,9% so cùng kỳ năm 2021).
Từ nay đến cuối năm, trên tuyến biên giới, do phía Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng hệ thống hàng rào kiên cố tiếp giáp với 6 tỉnh phía bắc nên các đối tượng cũng thay đổi phương thức, lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, hoạt động xuất nhập cảnh người, phương tiện để buôn lậu, mua bán, vận chuyển hàng cấm; buôn lậu, gian lận thương mại các nhóm mặt có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các địa phương cần tăng cường phối hợp xử lý của tất cả các lực lượng chức năng, chia sẻ các thông tin; bên cạnh đó, vận động người dân tham gia tố giác tội phạm và cung cấp số điện thoại, email của Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành để người dân cùng tham gia tố giác tội phạm trong buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các địa phương cần làm tốt công tác truy cứu, điều tra để truy nguồn gốc của hàng giả, nhất là đối với hàng dược phẩm, xăng dầu giả không bảo đảm chất lượng. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc nêu lên những vụ việc vi phạm cũng như vận động người dân tham gia tố giác tội phạm; đồng thời có các phương tiện, các trang thông tin để báo cáo, phản ánh đến cơ quan chức năng kịp thời xử lý.
Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, ngành, địa phương tập trung kiểm soát hàng hóa tại các tuyến đường hàng không, đường biển, đặc biệt là buôn lậu qua đường biên giới vào dịp cuối năm; tập trung vào các mặt hàng như: pháo nổ, thuốc lá điếu, xăng dầu, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh, điện thoại, thiết bị công nghệ, quần áo, giày dép, rượu, bia, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng thiết yếu...