Nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại

Sáng 4/8, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo. (Ảnh: VGP)
Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo. (Ảnh: VGP)

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra dưới các hình thức mang vác, vận chuyển nhỏ lẻ, qua đường mòn, lối mở, giao dịch, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới có chiều hướng giảm mạnh. Các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển sang lợi dụng pháp nhân và sự thông thoáng từ khâu thành lập, quản lý doanh nghiệp, ký kết hợp đồng thương mại, khai báo hải quan, thông quan và hậu kiểm để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với quy mô lớn hơn, phương thức và thủ đoạn tinh vi hơn, các hành vi phổ biến như không khai báo hải quan, khai sai tên hàng, số lượng, chủng loại, giá trị, nguồn gốc xuất xứ, phá niêm phong tẩu tán hàng trên đường vận chuyển, thẩm lậu sau khi đã tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, chia hàng nhỏ lẻ, khoán cung đoạn vận chuyển, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn… để vi phạm.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục C03 - Bộ Công an) Vũ Như Hà cho biết, hiện nay, các đối tượng buôn lậu đã chuyển đổi phương thức buôn lậu bằng các pháp nhân là doanh nghiệp nhất là các mặt hàng có nhiều biến động như xăng dầu. Bên cạnh đó, đan xen với hoạt động buôn lậu, rửa tiền, chuyển tiền với số lượng lớn. Đến nay, Cục C03 đã phát hiện và bắt giữ nhiều đường dây về vận chuyển tiền qua biên giới, đặc biệt là việc chiếm đoạt tiền hoàn thuế vừa qua bị phát hiện lên đến 500 tỷ đồng.

Cũng theo ông Vũ Như Hà, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook, Zalo, Tiktok ngày càng gia tăng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, với các vi phạm của nhiều nhóm mặt hàng thiết yếu. Cùng với đó là các hình thức khác như lừa đảo, trốn thuế trên không gian mạng ngày càng gia tăng.

Vì thế, các lực lượng chức năng cần tập trung đấu tranh mạnh với các đường dây, ổ nhóm lớn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và địa phương để bóc gỡ các đường dây từ gốc đến ngọn.

Theo Ban Chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 54.199 vụ việc vi phạm (giảm 25% so với cùng kỳ). Trong đó, 5.243 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (giảm 53,7% so với cùng kỳ); 47.781 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (giảm 4,7% so với cùng kỳ; 1.019 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (giảm 90% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước 3.728 tỷ đồng.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết: Qua công tác kiểm tra, kiểm soát cho thấy, trong nội địa, tại các địa bàn trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Kiên Giang… các đối tượng vi phạm hoạt động rất manh động, nhiều vụ việc lớn về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng đã được Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo kiểm tra, xử lý.

Ông Linh cũng bày tỏ lo ngại khi các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay thuê hoặc lập pháp nhân là công ty để dễ dàng buôn lậu với số lượng lớn rồi tuồn ra thị trường nội địa tiêu thụ. Đồng thời, các giao dịch thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội hầu hết đều vi phạm về nhãn mác hàng hóa, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.

Kết quả 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý hơn 17.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách gần 137 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 54 vụ.

Ông Trần Hữu Linh đề xuất, cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác này để sửa đổi bổ sung kịp thời, tạo hành lang pháp lý tốt nhất cho công tác chống buôn lậu; kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường phối hợp với lực lượng quản lý thị trường trong công tác phát hiện, xử lý các đối tượng kinh doanh, quảng cáo hàng hóa vi phạm trên các nền tảng mạng xã hội; ngăn chặn các đối tượng lợi dụng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả.

Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu: thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng nhằm đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "bảo kê" cho hoạt động buôn lậu….; nhận diện các vấn đề nổi cộm hiện nay, đặc biệt là phương thức, thủ đoạn mới trong buôn lậu, gian lận, hàng giả để có phương án đấu tranh; rà soát lại các cơ sở pháp lý, trong đó có việc xử lý hàng thu giữ tuy đã có quy định nhưng còn khó khăn, vướng mắc thực tế, cần rà soát văn bản pháp lý, cả Nghị định, Thông tư hướng dẫn; tăng cường phối hợp, xử lý, chia sẻ, cung cấp thông tin của tất cả các lực lượng, đơn vị, địa phương. Vận động người dân tham gia tố cáo tội phạm là hết sức quan trọng; ứng dụng khoa học công nghệ vì hiện nay tội phạm buôn lậu, nhất là ma túy đều sử dụng công nghệ rất hiện đại; truy cứu, điều tra các thông tin để tìm ra nguồn gốc của các hàng hóa buôn lậu. Bởi hiện nay dù trao đổi trên không gian mạng thì cũng cần có nguồn hàng, nên cần truy ra nguồn hàng, nguồn gốc xuất xứ, nhất là các mặt hàng nổi cộm như thuốc, xăng dầu…

Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; làm tốt công tác tuyên truyền chính sách pháp luật, vận động người dân không tham gia vận chuyển, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, lên án các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá hàng hoá; Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cần chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương hoàn thiện dự thảo kế hoạch chống buôn lậu qua đường hàng không, đường bộ…