Trước thực tế đó, ngày 24/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát đi công điện số 2547/CĐ-BNN-TCLN về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
Công điện nêu rõ: Hiện nay, nắng nóng gay gắt và hanh khô diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là tại các tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ, nguy cơ cháy rừng rất cao, nhiều khu rừng đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp IV, cấp V (Cấp nguy hiểm và Cực kỳ nguy hiểm).
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian tới tình trạng nắng nóng, khô hạn sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nguy cơ cháy rừng rất cao.
Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai một số việc cấp bách như sau:
Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị, chủ rừng; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn.
Có phương án sơ tán, di chuyển người dân, tài sản của nhân dân và của Nhà nước ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cháy rừng có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của người dân và tài sản của nhân dân và của Nhà nước.
Đắk Nông phản hồi về tình trạng rừng phòng hộ Gia Nghĩa bị đốt cháy
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp điều tra, làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.