TS Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, sự ra đời của các bộ tài liệu phục vụ giám sát hai văn bản luật trên nhằm hỗ trợ tích cực cho những người đi giám sát công tác thực thi luật ở các địa phương, nhất là với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Bên cạnh đó, bộ công cụ sẽ hỗ trợ các địa phương báo cáo với các đoàn giám sát hiệu quả hơn.
Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam Arthur Arken nhấn mạnh, để áp dụng thành công các công cụ giám sát này, chúng ta cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của các đại biểu Quốc hội để bảo đảm tài liệu hướng dẫn giám sát được sử dụng một cách có hệ thống ở cấp quốc gia và địa phương trong toàn bộ quá trình theo dõi việc thực hiện hai văn bản luật này. Bên cạnh đó, cũng cần sự hỗ trợ của các cá nhân thông qua các hoạt động giám sát như phát hiện vấn đề trong thực thi các luật, những hạn chế của các văn bản luật này khi không còn phù hợp với thực tế cuộc sống, trong đó có cả những “lỗ hổng” trong chính sách và luật pháp, để có thể đưa ra các quyết sách.
Mỗi bộ tài liệu gồm ba phần, gồm thông tin chung, nội dung giám sát thi hành luật, phụ lục. Cụ thể là những vấn đề chung về giám sát, hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, phân biệt giám sát với thanh tra, kiểm tra; giám sát của cơ quan dân cử với giám sát khác, chủ thể, đối tượng, các hoạt động giám sát…
Bộ công cụ cũng đề cập tới nội dung giám sát trách nhiệm thi hành hai luật với các cơ quan Trung ương, cấp địa phương, xây dựng ban hành văn bản để quản lý Nhà nước về người cao tuổi, tổ chức thi hành luật ở địa phương; kết quả thực hiện chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật; đánh giá kiến nghị
Theo ông Tiên, bộ công cụ cũng nêu rõ những điều nên làm và nên tránh với đại biểu khi đi giám sát. Nội dung của tài liệu được xây dựng ngắn gọn, mang tính chất như cẩm nang nhằm tiết kiệm thời gian, thúc đẩy hoạt động giám sát chuyên nghiệp của các đại biểu Quốc hội.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình gồm sáu chương, 46 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008. Luật Người cao tuổi gồm sáu chương, 31 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010.