Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới

Sáng 24/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau đối với dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu trong phiên thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) ngày 24/10/2024. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu trong phiên thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) ngày 24/10/2024. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động

Trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nêu trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý, đã bảo đảm: Thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và một số chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân; phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành; dự thảo luật sửa đổi đã kế thừa những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thi hành Luật Công đoàn hiện hành; sửa đổi một số nội dung để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở nước ta.

Góp ý vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), ý kiến nhiều đại biểu đề nghị cần làm rõ và tiếp tục chỉnh lý một số nội dung cụ thể.

Đề cập về việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động tại Việt Nam, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, khi tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập hợp pháp thì sẽ có hai tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp, đó là Công đoàn Việt Nam với tư cách là một tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, không chỉ đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động mà còn thực hiện chức năng chính trị, xã hội và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi mối quan hệ lao động, trong mối quan hệ với người sử dụng lao động.

Để tổ chức của người lao động và người lao động tại doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật, ngoài việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thì việc quy định quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức, người lao động tại doanh nghiệp là cần thiết. Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Việc quy định quyền này tại Điều 6 là đúng đắn và chính xác. Tuy nhiên, khi tổ chức này gia nhập công đoàn thì địa vị pháp lý sẽ như thế nào, có giải thể để tổ chức lại hay không hay là chỉ thay đổi vị trí, chức năng, nhiệm vụ, do vậy vấn đề này cần quy định rõ trong dự thảo Luật.

Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương), Điều 26 dự thảo Luật quy định về “Bảo đảm về tổ chức bộ máy, cán bộ công đoàn”, được điều chỉnh theo hướng giữ nguyên như Luật hiện hành. Tuy nhiên, việc quy định về biên chế, con người của tổ chức cần phải được xem xét dưới góc độ thực tiễn, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ và những yếu tố đặc thù mà từng tổ chức đang đảm nhiệm hiện nay để tiếp tục có những quy định, đề xuất hoàn thiện về cơ chế, chính sách một cách phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, quy định: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và chức danh cán bộ công đoàn trình cơ quan có thẩm quyền quyết định, hoặc quyết định theo thẩm quyền” tại Khoản 2, Điều 26 của dự thảo Luật chưa rõ ràng, trường hợp nào trình cơ quan có thẩm quyền quyết định và trường hợp nào thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định theo thẩm quyền. Do đó, Ban soạn thảo cần quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện khi Luật Công đoàn (sửa đổi) có hiệu lực; đồng thời, đề nghị rà soát quy định về tổ chức biên chế trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm phù hợp, tương thích với quy định tại các luật khác có liên quan.

Đề cập vấn đề nêu trên, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, hiện nay, số lượng biên chế được giao của công đoàn ít, trong khi đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động liên tục tăng, cơ sở của công đoàn liên tục phát triển cho nên việc quản lý không bảo đảm, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nếu không bố trí thêm cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc hợp đồng.

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao quyền tự chủ trong quản lý nguồn tài chính của Công đoàn theo các quy định của pháp luật. Do vậy, để bảo đảm quản lý, tổ chức hoạt động của Công đoàn, đại biểu đề nghị dự thảo Luật giữ quy định giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở theo từng giai đoạn, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, số lượng đoàn viên công đoàn, người lao động và khả năng tài chính của công đoàn.

Đại biểu Hà Sỹ Huân (Đoàn Bắc Kạn) đề cập, Khoản 2, Điều 26 dự thảo Luật quy định: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và chức danh cán bộ công đoàn trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền”. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ trường hợp nào thuộc thẩm quyền quyết định của Tổng Liên đoàn Lao động, trường hợp nào sẽ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định và cơ quan có thẩm quyền quyết định là cơ quan nào, do vậy sẽ dẫn đến sự lúng túng trong quá trình thực hiện. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung, quy định rõ ràng, cụ thể hơn.

Trong phiên làm việc sáng qua, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Đề xuất nhiều quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế

Chiều qua, thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), nhiều đại biểu đánh giá cao đề xuất của Chính phủ khi bổ sung quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chi phí dịch vụ cận lâm sàng của người bệnh đã được chỉ định nhưng phải thực hiện ở nơi khác. Điều này sẽ làm tăng quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế cũng như bảo đảm chất lượng và tính kịp thời trong khám, chữa bệnh, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế thanh toán phù hợp, linh hoạt, thí dụ như thanh toán thông qua bệnh viện hoặc trả trực tiếp cho người bệnh khi tự mua…

Chính phủ đề nghị sửa đổi quy định về “thông cấp khám bệnh, chữa bệnh” theo hướng mở rộng thêm một bước, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Theo đó, quỹ bảo hiểm y tế vẫn chi trả cho người bệnh trong một số trường hợp tự đến cơ sở trái tuyến để khám bệnh, chữa bệnh. Nhiều ý kiến khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của chính sách này nhằm từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia, song cũng cần bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, do đó, cần đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện tác động đến ngân sách nhà nước, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế cũng như tổ chức, hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh.

Có đại biểu nêu vấn đề, danh mục thuốc bảo hiểm y tế do Bộ Y tế ban hành chưa phù hợp thực tiễn, do đó, đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại quy định hiện hành về danh mục này, nếu có vướng mắc cần có quy định để kịp thời tháo gỡ, đáp ứng quyền của người có thẻ bảo hiểm y tế. Về mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, nhiều ý kiến đồng tình bổ sung quy định “người bệnh được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo danh mục bệnh và quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế” được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng mà không phải thực hiện thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh góp phần giảm gánh nặng chi phí cho người bệnh.

Trong phiên làm việc tại tổ chiều qua, cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu, các đại biểu nhất trí sự cần thiết ban hành luật, nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế-xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ hơn về mô hình tổ chức, chức năng, quyền, nghĩa vụ, hiệu quả của việc triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; làm rõ các phương án ứng phó, giải quyết những vấn đề có thể phát sinh để tránh nguy cơ lộ lọt, mất an ninh, an toàn thông tin.