Tăng biên chế công đoàn là đòi hỏi từ thực tiễn

Công đoàn là tổ chức đặc thù, là một bên trong quan hệ lao động, phải thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất; có số lượng đoàn viên lớn nhất so với các tổ chức đoàn thể khác và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ mà các tổ chức chính trị-xã hội khác không có.
Ðại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội trao quà tặng công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024.
Ðại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội trao quà tặng công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024.

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, nhiệm vụ của công đoàn ngày càng nặng nề, thế nhưng biên chế công đoàn hiện đang rất thấp so với các tổ chức chính trị-xã hội khác.

Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm (thành phố Hà Nội) hiện có năm biên chế, quản lý 265 công đoàn cơ sở, với hơn 16.000 đoàn viên, giảm một người so với thời gian trước.

Tính theo tỷ lệ bình quân cả nước, một cán bộ công đoàn chuyên trách quản lý hơn 1.000 đoàn viên. Ðáng chú ý, tại nhiều địa phương tỷ lệ này cao hơn nhiều mức trung bình.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm Nguyễn Ðức Thể ngoài đảm trách vai trò “thủ lĩnh” công đoàn còn là một Huyện ủy viên, đại biểu Hội đồng nhân dân huyện.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Ðức Thể còn phải đảm trách các nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương giao như: thành viên của Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình công tác toàn khóa của huyện ủy; Ban Chỉ đạo 197 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, văn minh đô thị; Ban Chỉ đạo 138 về công tác phòng chống tội phạm và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Ban Chỉ đạo về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện của huyện... “Thời gian dành cho hoạt động công đoàn vốn là nhiệm vụ chính bị chia sẻ rất nhiều”, đồng chí Nguyễn Ðức Thể chia sẻ.

Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm cũng như nhiều công đoàn cấp trên cơ sở khác, đơn vị không có ban chuyên môn. Một người làm việc bằng hai, bằng ba như: kế toán kiêm công tác nữ công; cán bộ văn phòng kiêm tổ chức, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; Phó Chủ tịch vừa làm công tác kiểm tra, vừa kiêm mảng chính sách pháp luật, quan hệ lao động.

Vào những thời gian cao điểm: Tháng Công nhân, Tết Nguyên đán, để chăm lo đoàn viên, người lao động, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động huyện phải họp bàn, phân công nhiệm vụ tới 21 ủy viên, đề nghị tham gia hỗ trợ, phối hợp thực hiện.

Tình trạng nêu trên diễn ra ở hầu hết các công đoàn cấp trên cơ sở. Một cán bộ phải kiêm nhiều mảng việc, không được chuyên môn hóa, vì thế việc xuống cơ sở bám nắm tình hình, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động bị hạn chế rất nhiều. Nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ, các cán bộ công đoàn thường xuyên “bớt xén” thời gian chăm lo gia đình vào cuối tuần, dịp lễ, Tết.

Trong buổi làm việc của đoàn khảo sát Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, đánh giá kết quả 15 năm về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Ðình Thắng nêu thực trạng: Số lượng đoàn viên, công nhân lao động và công đoàn cơ sở ngày càng tăng nhưng cán bộ công đoàn lại giảm. Năm 2010, thời điểm đồng chí Nguyễn Ðình Thắng về công tác tại Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, đơn vị chỉ có hơn 40 công đoàn cơ sở và hơn 10.000 đoàn viên. Ðến nay, số công đoàn cơ sở đã tăng gấp gần 10 lần, số đoàn viên tăng gấp 15 lần, thế nhưng đơn vị chỉ có chín cán bộ công đoàn, bao gồm cả lái xe.

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến ngày 31/3/2024, công đoàn địa phương được các tỉnh ủy, thành ủy giao 5.119 biên chế, con số này chỉ bằng một phần ba các tổ chức chính trị-xã hội khác. Hiện có 12 tỉnh, thành phố tổ chức công đoàn không được cấp ủy địa phương giao biên chế. Có 40 tỉnh, thành phố giao biên chế cán bộ công đoàn không tương xứng, không đủ khối lượng để làm việc. Như vậy, tính theo tỷ lệ bình quân cả nước, một cán bộ công đoàn chuyên trách quản lý hơn 1.000 đoàn viên. Ðáng chú ý, tại nhiều địa phương tỷ lệ này cao hơn nhiều mức trung bình.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Ðình Khang cho biết: Tại các địa phương có quan hệ lao động không phức tạp, ít doanh nghiệp, số lượng cán bộ công đoàn chỉ cần có mức độ. Tuy nhiên, tại những huyện, địa phương, ngành tập trung khu công nghiệp, đông công nhân, đòi hỏi phải tăng số lượng cán bộ công đoàn mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, tác động sâu sắc đến đời sống, sản xuất, việc làm và phương thức tập hợp người lao động; thị trường lao động và quan hệ lao động xuất hiện nhiều vấn đề mới.

Nền kinh tế phát triển đa dạng với khối doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ngày càng tăng sẽ làm thay đổi phương thức tập hợp, vận động người lao động và hoạt động công đoàn.

Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; thực hiện các công ước quốc tế là vấn đề rất mới, tác động sâu sắc tới tổ chức và hoạt động công đoàn, đòi hỏi cần phải đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Trước hết là đổi mới tổ chức bộ máy, biên chế công đoàn các cấp, nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo luật nêu trên là, việc hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới. Theo đó, trao quyền chủ động hơn cho tổ chức công đoàn trong công tác cán bộ (Ðiều 26) theo hướng: Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng thời cho phép “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ”. Tại dự thảo Luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất phương án giao 5.899 biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách trong toàn hệ thống.

Thực tế cho thấy, cán bộ công đoàn cơ sở phần lớn hoạt động kiêm nhiệm, chịu sự chi phối từ chủ doanh nghiệp do họ là người lao động, nhận lương từ doanh nghiệp. Ðây là thực tế khó khăn của cán bộ công đoàn cơ sở, nhất là ở những doanh nghiệp có đông công nhân lao động.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định: Hiện nay, công đoàn cơ sở không có cán bộ công đoàn chuyên trách cho nên phải chấp nhận chủ doanh nghiệp tự tuyển người về làm cán bộ công đoàn. Việc chủ doanh nghiệp tuyển cán bộ công đoàn, trả lương cho họ, vì thế để cán bộ công đoàn có tiếng nói độc lập, mạnh mẽ, quyết liệt quả là khó. Do vậy, Tổng Liên đoàn đề xuất ở những doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên, cần bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách do tổ chức công đoàn trả lương. Ðối tượng này nên là hợp đồng lao động để thuận lợi xử lý các vấn đề về cán bộ và trả lương, phù hợp với mặt bằng tiền lương trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc cơ cấu cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp có đông công nhân do công đoàn quản lý, trả lương sẽ bảo đảm tiếng nói độc lập, mạnh mẽ của cán bộ công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Trong bối cảnh xuất hiện cạnh tranh công đoàn, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp, người lao động, đoàn viên công đoàn, nhiệm vụ của công đoàn ngày càng nặng nề, việc tổ chức Công đoàn Việt Nam đề nghị tăng biên chế nhằm kỳ vọng tạo ra sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống công đoàn, bảo đảm sự chủ động, linh hoạt trong bố trí cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển đoàn viên trong từng thời điểm, giai đoạn, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức công đoàn.