Theo kết quả chính thức được Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena công bố, ông Wickremesinghe giành được 134 phiếu bầu từ Quốc hội gồm 225 thành viên, bỏ xa 2 đối thủ là nghị sĩ Dullas Alahapperuma thuộc đảng cầm quyền Podujana Peramuna (SLPP) được 82 phiếu bầu và lãnh đạo đảng Quyền lực nhân dân quốc gia (NPP) Anura Kumara Dissanayake chỉ được 3 phiếu bầu.
Theo quy định, 1 ứng cử viên nhận được số phiếu bầu cao nhất, tối thiểu hơn 1/3 số phiếu hợp lệ sẽ trúng cử.
Ông Wickremesinghe từng 6 lần đảm nhiệm chức Thủ tướng Sri Lanka. Ông trở thành quyền Tổng thống theo quy định của Hiến pháp Sri Lanka sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rời khỏi đất nước và thông báo từ chức.
Trên cương vị Tổng thống Sri Lanka, ông Wickremesinghe đối mặt với nhiệm vụ đưa quốc đảo Nam Á này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948.
Tân Tổng thống sẽ đảm nhận chức vụ trong thời gian còn lại nhiệm kỳ của ông Rajapaksa, đến tháng 11/2024.
Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực, thuốc men và nhiên liệu, mất điện kéo dài cùng với lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới 1 cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có.
Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất tại Sri Lanka đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây. Tình hình trên dẫn đến các cuộc biểu tình ở Sri Lanka kéo dài suốt nhiều tháng.
Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), gần 5 triệu người Sri Lanka - tương đương 22% dân số nước này - cần viện trợ lương thực.
Số liệu chính thức cũng cho thấy trong 12 tháng tính đến tháng 6/2022, lạm phát lương thực ở Sri Lanka đã lên tới 80,1%.