Sri Lanka chuẩn bị bầu Tổng thống

Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, ông Mahinda Yapa Abeywardana thông báo, Quốc hội nước này sẽ tiến hành bầu Tổng thống mới vào ngày 20/7 tới và Tổng thống được bầu sẽ giữ cương vị cho đến khi nhiệm kỳ của người tiền nhiệm kết thúc. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Sri Lanka đang rơi vào khủng hoảng kép trầm trọng cả trong lĩnh vực chính trị và kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe (phải) đã tuyên thệ nhậm chức quyền Tổng thống Sri Lanka. Ảnh: AP
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe (phải) đã tuyên thệ nhậm chức quyền Tổng thống Sri Lanka. Ảnh: AP

Đảng Tự do Sri Lanka từ chối tham gia bầu cử

Cổng thông tin Ada Derana của Sri Lanka ngày 16/7 dẫn lời lãnh đạo đảng Tự do Sri Lanka, ông Maithripala Sirisena cho biết, đảng này không đề cử ứng cử viên cũng như tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Ông Sirisena giải thích nguyên nhân của việc này là do đã có nhiều ứng cử viên tuyên bố ý định tranh cử. Đảng Tự do Sri Lanka là một trong hai lực lượng lớn nhất trong liên minh cầm quyền.

Trong khi đó, một quan chức trong đảng Sri Lanka Podujana Peramuna (SLPP) cầm quyền cho biết, đảng này sẽ đề cử quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe làm Tổng thống quốc gia Nam Á. Tổng Thư ký đảng SLPP Sagara Kariyawasam nêu rõ, đảng cầm quyền sẽ ủng hộ quyền Tổng thống Wickremesinghe trong cuộc bầu cử sắp tới.

Việc lựa chọn người đứng đầu đất nước Sri Lanka diễn ra trong bối cảnh nước này đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức quyền Tổng thống thay ông Gotabaya Rajapaksa, sau khi ông này gửi đơn từ chức qua thư điện tử từ Singapore. Ông Rajapaksa ra nước ngoài lánh nạn sau khi người biểu tình xông vào Dinh Tổng thống. Tuy nhiên, người biểu tình cũng đang đòi ông Wickremesinghe từ chức.

Hiện, Tòa án Tối cao Sri Lanka cấm cựu Thủ tướng nước này Mahinda Rajapaksa và cựu Bộ trưởng Tài chính Basil Rajapaksa rời khỏi đất nước khi chưa được phép cho đến ngày 28/7. Hai ông này đều là anh em của cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Trong khi đó, hai cựu thống đốc ngân hàng trung ương Sri Lanka cũng không được phép đi ra nước ngoài khi chưa có sự cho phép của tòa án.

Dự báo kinh tế suy giảm hơn 6%

Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất tại Sri Lanka đã tăng gấp ba lần trong những tháng gần đây. Tình hình trên dẫn đến các cuộc biểu tình ở Sri Lanka kéo dài suốt nhiều tháng và lên đỉnh điểm những ngày gần đây. Nhà chức trách Sri Lanka phải triển khai nhiều biện pháp an ninh để bảo đảm trật tự trong nước.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, nền kinh tế Sri Lanka có thể sẽ suy giảm hơn 6% trong năm nay do bất ổn chính trị và bất ổn xã hội ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán về cứu trợ tài chính với IMF. IMF hy vọng tình trạng bất ổn ở Sri Lanka sẽ sớm được giải quyết để các cuộc đàm phán cứu trợ có thể được nối lại. Các cuộc đàm phán chính thức về một chương trình cho vay mới dành cho Sri Lanka bắt đầu vào tháng trước, song đã bị đình trệ do biến động chính trị dẫn đến việc Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức.

Người phát ngôn của IMF, ông Gerry Rice cho biết, IMF quan ngại sâu sắc về tác động của cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Sri Lanka đối với người dân nước này, đặc biệt là đối với những người nghèo và dễ bị tổn thương. IMF đang theo dõi sát sao diễn biến tại Sri Lanka, đồng thời hy vọng sẽ có một giải pháp cho tình hình hiện tại để nối lại đàm phán về chương trình viện trợ. Hiện, IMF vẫn giữ liên lạc với các quan chức ở Colombo, Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, song để đạt được thỏa thuận viện trợ, Chính phủ Sri Lanka cần cam kết đầy đủ về tính bền vững của nợ công.

Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi Sri Lanka sớm ổn định chính trị và tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở nước này. Phó phát ngôn viên LHQ Farhan Haq cho biết, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này luôn đoàn kết với nhân dân Sri Lanka và sẵn sàng hỗ trợ người dân nước này.