Tân Nhàn “rực cháy” trong hành trình âm nhạc của mình

NDO - 90 phút với hơn chục ca khúc, ca sĩ Tân Nhàn đã “rực cháy” trong những câu chuyện kể trên hành trình “Con đường âm nhạc” của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Ca sĩ Tân Nhàn trong chương trình "Con đường âm nhạc". (Ảnh: HÒA NGUYỄN)
Ca sĩ Tân Nhàn trong chương trình "Con đường âm nhạc". (Ảnh: HÒA NGUYỄN)

Chương trình “Con đường âm nhạc” số mở màn năm 2023 về ca sĩ, Tiến sĩ âm nhạc Tân Nhàn, do Phòng Âm nhạc, Ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam thực hiện, phát trên kênh VTV1 đã gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả.

Tân Nhàn đã “kể” lại chặng đường âm nhạc của mình bằng một bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn với nhiều màu sắc từ dòng nhạc mang âm hưởng dân gian- dòng nhạc mà nữ ca sĩ đã đeo đuổi và thành công trong 18 năm sự nghiệp.

Mở màn chương trình là tiết mục hát văn “Cô đôi Thượng ngàn” quen thuộc nhưng hết sức mới lạ qua giọng hát điêu luyện của nữ ca sĩ, bằng cách phối kỹ thuật thanh nhạc hiện đại với âm nhạc truyền thống. Đây cũng là tiết mục khẳng định con đường mà cô đã chọn: kiên trì, nỗ lực trong việc tôn vinh và chấn hưng âm nhạc truyền thống, nối dài tình yêu âm nhạc truyền thống tới các thế hệ sau.

Từ một Tân Nhàn của hiện tại và tương lai, “Con đường âm nhạc” đưa khán giả trở về những ngày đầu tiên nữ ca sĩ đi hát cách đây gần 20 năm, qua những bài hát gắn với tên tuổi và giúp cô nổi danh.

Năm 2005, Tân Nhàn đã xuất sắc giành giải nhất Sao Mai nhạc dân gian, từ một cô bé nhà nghèo quê ở Hà Nam. Ca khúc đem lại thành công cho cô thời gian đầu mới bước vào sự nghiệp âm nhạc là “Trăng khuyết”, đây cũng là tiêu đề cho album đầu tay của nữ ca sĩ. Ở “Con đường âm nhạc”, Tân Nhàn thể hiện “Trăng khuyết” với một tinh thần mới, một bản phối mới, đem lại sự mới mẻ cho ca khúc và khẳng định giọng ca của cô.

Cùng với “Trăng khuyết”, khán giả được thưởng thức hai ca khúc thuộc dòng nhạc dân gian cũng in dấu ấn của nữ ca sĩ là “Ở hai đầu nỗi nhớ” (Phan Huỳnh Điểu) và “Tình đất” (Tuấn Phương).

Tân Nhàn “rực cháy” trong hành trình âm nhạc của mình ảnh 1

Ca sĩ Tân Nhàn và ca sĩ Thu Hà.

Đồng hành cũng Tân Nhàn trên hành trình âm nhạc cuộc đời, cũng như trong “Con đường âm nhạc”, còn có người bạn tri kỷ, giải Nhì Sao mai 2007 Thu Hà. Thu Hà song ca cùng Tân Nhàn trong ca khúc “Hai quê”, kể lại mối lương duyên của cả hai. Tân Nhàn và Thu Hà được bạn bè gọi là “đôi bạn cùng tiến” vì cả hai cùng nhau học và trở thành Tiến sĩ âm nhạc, hiện Tân Nhàn là Phó Khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Thu Hà là Phó Khoa Nghệ thuật, Đại học Sư phạm Hà Nội 1.

Tân Nhàn “rực cháy” trong hành trình âm nhạc của mình ảnh 2

Những khúc tình ca cũng là thế mạnh của ca sĩ Tân Nhàn. Với “Thư tình cuối mùa thu” (Thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu) và ca khúc mới toanh “Tiếng khèn mùa ban nở” (Lê Minh), Tân Nhàn thể hiện chất trữ tình pha lẫn sự hiện đại, khỏe khoắn của một giọng ca sáng ngời. “Tiếng khèn mùa ban nở” cũng là ca khúc được Tân Nhàn chuẩn bị ra mắt MV trong thời gian tới.

Luôn khẳng định tình yêu và những nỗ lực bền bỉ với âm nhạc dân tộc, Tân Nhàn đã mang đến cho khán giả một bữa tiệc với các thể loại âm nhạc cổ truyền, từ chèo, quan họ cho đến hát văn. Hai bài chèo cổ là “Đào liễu” và “Duyên phận phải chiều”, bài quan họ “Tương phùng tương ngộ”, bài hát văn “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” đã đem lại những cảm xúc đặc biệt cho khán giả. Những kỹ thuật thể hiện âm nhạc dân gian, ca sĩ Tân Nhàn đã học hỏi từ các bậc tiền bối như nghệ nhân Hà Thị Cầu, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Đình Cương…, đồng thời tự tìm hiểu, học hỏi qua băng đĩa nhạc.

Tân Nhàn “rực cháy” trong hành trình âm nhạc của mình ảnh 3

Đêm “Con đường âm nhạc” của Tân Nhàn gắn liền với các bộ trang phục mà nhà thiết kế Lasen Vũ đã dày công chuẩn bị, để phù hợp với tinh thần của từng tiết mục.

Cảm mến tài năng của Tân Nhàn, nhà thiết kế Lasen Vũ đã hỗ trợ nữ ca sĩ trang phục trong đêm diễn, vừa tôn vẻ đẹp của cô, vừa chuyển tải tinh thần của các dòng nhạc mà Tân Nhàn theo đuổi.

Trong chương trình, Tân Nhàn cũng nhận nhiều lời khen ngợi, đánh giá cao của các đồng nghiệp và bậc tiền bối. NSND Quang Thọ và NSND Quốc Hưng cùng cho rằng, Tân Nhàn là một điển hình trong việc khai thác âm nhạc trên nền tảng của một ca sĩ được đào tạo bài bản, thấm đậm kỹ thuật thanh nhạc thính phòng. Sự kết hợp này mang đến cho Tân Nhàn một chỗ đứng khó thay thế.

Trong khi đó, nhà lý luận phê bình âm nhạc Quang Long khẳng định, sự cống hiến của Tân Nhàn là ở chỗ đã mang âm nhạc dân gian đến đời sống đương đại bằng âm nhạc hiện đại.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh ái mộ Tân Nhàn bởi tình yêu của cô dành cho âm nhạc dân gian. Từ tình yêu ấy mới tìm tòi để kết nối âm nhạc dân tộc với âm nhạc cổ điển một cách thành công.

Là một giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Tân Nhàn luôn nuôi mong ước xây dựng một giáo trình âm nhạc dân gian để giảng dạy cho các thế hệ học sinh, sinh viên sau này.

Với tình yêu không ngừng nghỉ dành cho kho tàng âm nhạc truyền thống, Tân Nhàn đã chọn việc đem tình yêu âm nhạc dân gian đến với dòng chảy âm nhạc hiện đại, đến với những thế hệ sau này là sứ mệnh của đời mình.