Tân Nhàn mang nghệ thuật truyền thống đến gần khán giả

NDO -

NDĐT – Với việc phát hành album CD “Níu dải lụa đào” cùng hai MV - bài văn nổi tiếng “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” và giá văn “Cô đôi Thượng Ngàn”, Sao Mai Tân Nhàn khẳng định sự sáng tạo không ngừng của mình trong nghệ thuật khi tiếp tục thử sức mình với âm nhạc truyền thống.

Tân Nhàn mang nghệ thuật truyền thống đến gần khán giả

Album “Níu dải lụa đào” gồm các làn điệu, bài dân ca cổ nổi tiếng mà Tân Nhàn đã mất rất nhiều công sức, thời gian suốt hai năm qua để thực hiện. Album gồm hai bài chèo cổ “Đào liễu”, “Duyên phận phải chiều”, “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”- một bài hát văn nổi tiếng dựa trên lời thơ của Nguyễn Duy; các làn điện dân ca quan họ nổi tiếng “Tương phùng tương ngộ”, “Lúng liếng”, “Ngồi tựa song đào”; bài xẩm chợ “Mục hạ vô nhân” lời thơ Nguyễn Khuyến, giá văn “Cô đôi thượng ngàn” lời cổ. Trong album, Tân Nhàn có phần thể hiện khá đặc biệt bài hát văn “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” cùng NSƯT Đình Cương- nghệ sĩ chèo nổi tiếng.

Cùng với album CD “Níu dải lụa đào”, Tân Nhàn cũng phát hành hai MV với hai bài hát văn “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” và “Cô Đôi thượng ngàn”. MV “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” với câu chuyện xúc động về tình mẫu tử, người con khi đã trưởng thành ngồi nhớ về ơn nghĩa sinh thành, những hy sinh vất vả của người mẹ dành cho mình.

Trong MV “Cô Đôi thượng ngàn”, lần đầu tiên khán giả thấy Tân Nhàn hoá thân vào hình ảnh Cô Đôi trong các giá hầu văn nổi tiếng. Hình ảnh MV được quay ở những nơi rừng xanh núi biếc trữ tình. Tân Nhàn thực hiện MV với mong muốn đem đến nhiều cách tiếp cận cho khán giả, nhằm lan toả rộng hơn sản phẩm

Việc hát các làn điệu, bài dân ca cổ trong album theo kiểu nghệ nhân của Tân Nhàn đã “lấy” mất hai năm miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu và học tập. Để thực hiện được album, Tân Nhàn đã lặn lội đi tìm các nghệ nhân ở các vùng miền để “tầm sư học đạo”.Với mỗi làn điệu, bài ca cổ trong album Tân Nhàn đều tìm đến những nghệ sĩ, nghệ nhân hát hay nhất để học. Cô không giấu tham vọng muốn được chắt lọc tinh tuý từ thế hệ đi trước để có thể chuyển tải vào album theo cách hát, cái hồn của riêng mình.

Tân Nhàn chia sẻ: “Có đi sâu vào lĩnh vực âm nhạc truyền thống mới thấy rằng những khán giả đã yêu nghệ thuật truyền thống thì say mê và trung thành lắm. Tôi thấy mình không nhiều khán giả, nhưng lại là những khán giả thực sự chung thuỷ, và với tôi đó là nguồn cảm hứng bất tận để tôi không ngừng cống hiến.Tôi nghĩ là người nghệ sĩ chân chính ai cũng mong mình có những khán giả yêu mến thực sự chứ không phải những người nói yêu quý theo phòng trào, hời hợt..”.

Tân Nhàn mang nghệ thuật truyền thống đến gần khán giả ảnh 1

Khi được hỏi, liệu Tân Nhàn có tiếp tục theo đuổi âm nhạc truyền thống trong sự nghiệp âm nhạc của mình, Tân Nhàn khẳng định cô sẵn sàng hát miễn phí ở các chương trình âm nhạc truyền thống, sẵn sàng góp sức nhỏ của mình để cùng những người yêu nghệ thuật truyền thống “chấn hưng” hơn nữa di sản nghệ thuật quý giá của nước nhà.

Tân Nhàn không chỉ là một nghệ sĩ, cô hiện giờ là Phó trưởng khoa Thanh nhạc Học viện âm nhạc Quốc Gia, đồng thời cô cũng đang là nghiên cứu sinh bộ môn thanh nhạc. Không chỉ học hát từ các nghệ nhân, Tân Nhàn còn dày công tìm tòi tài liệu, nghiên cứu và tích luỹ cho mình những hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật truyền thống.

Với vai trò một giảng viên, một nghiên cứu sinh âm nhạc, Tân Nhàn muốn nghiên cứu âm nhạc truyền thống qua nhiều góc độ khác nhau để tiếp cận nhiều đối tượng khán giả. Với những nỗ lực không ngừng, Tân Nhàn muốn đem âm nhạc truyền thống đến với khán giả qua nhiều góc độ khác nhau để có thêm nhiều đối tượng thưởng thức khác nhau. Theo tiết lộ của Tân Nhàn, trong liveshow sắp tới, cô sẽ có những sự kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống với giao hưởng.