Cùng suy ngẫm

Sức ỳ của Tết

Với người Việt, Tết Nguyên đán là sự kiện quan trọng trong năm. Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, người ta phải "lo Tết". Việc chuẩn bị Tết tốn nhiều thời gian, công sức, chưa kể tâm lý háo hức đón Tết cũng khiến công việc bị ảnh hưởng.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: THÀNH ĐẠT
Ảnh: THÀNH ĐẠT

Những năm gần đây, kinh tế đã phát triển, những người phải "lo Tết" kiểu ngày xưa chạy vạy cái ăn cái mặc chỉ là thiểu số. Ở các đô thị, chỉ cần một buổi đi siêu thị, việc chuẩn bị cho Tết có thể cơ bản xong xuôi, thậm chí chỉ bằng một vài cái bấm chuột trên các gian hàng Tết trực tuyến.

Tuy nhiên, không vì thế mà "sức ỳ" do ảnh hưởng của Tết giảm đi.

Từ trước Tết hơn nửa tháng, nhiều chị em mải miết "săn" hàng "độc, lạ" trên mạng. Dù quanh năm ăn ngon mặc đẹp, nhưng việc chuẩn bị rườm rà không phải để "ăn Tết", mà còn vì nhu cầu "trưng Tết", từ món ăn, bày biện bàn tiếp khách, quần áo, cho đến trang trí nhà cửa. Trước đây, việc tương tác trong ngày Tết chỉ giới hạn trong họ hàng, bạn thân; còn bây giờ, với nhiều người, "trưng Tết" trên mạng xã hội là "món ăn tinh thần" không thể thiếu nên càng phải chu đáo, "long lanh".

Nhiều người "né" đón Tết kiểu truyền thống bằng đi du lịch thì phải chuẩn bị thời gian "săn" tua. Bên cạnh săn tua thì cũng phải lên kế hoạch cho chuyến đi, mua sắm sao cho việc đón Tết "ngắn gọn" ở gia đình rồi xách ba-lô lên đường không bị mọi người chê trách…

Không hiếm trường hợp, ngồi trước máy tính cơ quan, nhưng người ta lại đang "du hành" trên mạng trong những chuyến mua bán sản phẩm, dịch vụ trực tuyến phục vụ cho dịp Tết.

Chuẩn bị cho Tết còn một vấn đề vất vả khác. Từ sau rằm tháng Chạp, việc đi lại tại những đô thị lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hết sức mệt mỏi. Nhiều người nói vui rằng, không chỉ sắm Tết, người ta đi lại đông còn vì sắm quà, biếu quà, cúng bái. "Phú quý sinh lễ nghĩa" là một thực tế không thể né tránh.

Tết là dịp mọi người trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, Tết ra đời trong bối cảnh xã hội nông nghiệp lúa nước khác rất xa so với cuộc sống bây giờ. Bởi thế, giữ gìn những tập tục truyền thống là cần thiết, nhưng cũng cần có những thay đổi về tư duy, cách thức đón Tết sao cho phù hợp.

Thực tế cho thấy, việc chuẩn bị cho Tết thời hiện đại vẫn tốn nhiều thời gian, công sức, chỉ theo một cách khác. Trước Tết là chuẩn bị, sau Tết thì tâm lý "du xuân" vẫn còn phổ biến.

Thời xưa, con người sống bằng nông nghiệp là chủ yếu, mùa xuân là tiết "nông nhàn" nên có nhiều thời gian để du xuân. Yêu cầu công việc ngày nay không cho phép và tâm lý "tháng Giêng là tháng ăn chơi" sẽ làm chất lượng công việc đi xuống.

Không ai muốn trở lại cái Tết khó khăn như xưa và chúng ta đang đem cái Tết truyền thống vào xã hội hiện đại. Do đó, để không bị áp lực mệt mỏi, chúng ta cần gìn giữ những giá trị cốt lõi mà quan trọng nhất, đây là dịp gia đình sum vầy, thưởng thức những giá trị văn hóa truyền thống, nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng.

Việc chạy theo những giá trị hình thức và coi đó là "gìn giữ", nhất những lễ nghi, khiến Tết đang tạo ra một "sức ỳ" lên cộng đồng, gây ảnh hưởng đến công việc của toàn xã hội.