Sức sống mới ở ngôi làng mang tên họ Hồ tại Nam Trà My

NDO - Huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam hiện có 10 xã với 3 dân tộc chính: Bh’noong, Xê Đăng và Ca Dong chiếm 97% toàn địa bàn, trong đó có khoảng 85% người dân mang họ Hồ để ghi nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Làng văn hóa Tăk Chươm (thôn 2, xã Trà Mai) là một trong những làng văn hóa ở Nam Trà My có đông người dân mang họ Hồ.
0:00 / 0:00
0:00
Cây cầu dẫn vào làng Tăk Chươm
Cây cầu dẫn vào làng Tăk Chươm

Anh Hồ Văn Nái (sinh năm 1980) người dân tộc Xê đăng chia sẻ, từ lúc sinh ra anh đã thấy ông nội mang họ Hồ. Khi được nghe kể về nguồn gốc họ Hồ của gia đình mình, anh rất tự hào và vui sướng.

Anh cho biết, kể từ khi được Bác Hồ, Đảng, Nhà nước quan tâm, bà con ở nơi đây đã dần dần hết khó khăn, cuộc sống được cải thiện.

Câu chuyện về họ Hồ được anh Hồ Văn Nái thường xuyên kể cho các con nghe, từ đó anh mong muốn các con mình sẽ tiếp tục nuôi dưỡng niềm tự hào, có ý chí phấn đấu, chăm chỉ học hành sau trở thành người có xã hội, tích cực đóng góp xây dựng quê hương.

Anh phấn khởi khoe những năm gần đây chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương như cồng chiêng, đan lát, ẩm thực,…

Sức sống mới ở ngôi làng mang tên họ Hồ tại Nam Trà My ảnh 1
Khung cảnh nên thơ ở làng Tăk Chươm.

Đặc biệt từ đầu năm 2023, với chủ trương phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng, làng Tăk Chươm đã thực sự “thay da đổi thịt”. Đường làng phong quang, sạch đẹp. Tại các hộ gia đình đều sửa sang cảnh quan nhà cửa để sẵn sàng đón khách đến thăm quan.

Sức sống mới ở ngôi làng mang tên họ Hồ tại Nam Trà My ảnh 2

Anh Hồ Văn Nái giáo dục cho con trai về truyền thống gia đình.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Đình Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trà Mai cho biết, làng Tăk Chươm có thuận lợi là ở ngay trung tâm xã Trà Mai, cũng là trung tâm huyện Nam Trà My, khớp nối với phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu hằng tháng. Vì vậy việc tổ chức tour/tuyến rất thuận tiện, có chỗ lưu trú cho du khách nếu họ có nhu cầu ở lại trong làng cùng sinh hoạt với bà con, hoặc có thể ở khách sạn, nhà nghỉ theo yêu cầu.

Việc phát triển du lịch cộng đồng ở Trà Mai nói chung và Tăk Chươm giúp người dân vừa bảo tồn văn hóa vừa phát triển kinh tế đời sống qua các dịch vụ du lịch, trong đó bảo tồn văn hóa truyền thống bản địa được xem là một yếu tố cốt lõi trong việc thu hút du khách để phát triển du lịch xanh, bền vững.

Chính quyền địa phương hết sức quan tâm, hỗ trợ nhân dân phục dựng các nhà làng truyền thống, các lễ hội truyền thống như lễ cúng máng nước, lễ ăn tết mùa, các nghề truyền thống như dệt, mây tre đan, rèn, rượu cần, đồng thời thành lập các đội cồng chiêng để phục vụ du khách.

Sức sống mới ở ngôi làng mang tên họ Hồ tại Nam Trà My ảnh 3

Đường đi lối lại tại xã Tăk Chươm phong quang sạch đẹp.

Anh Hồ Văn Huân (sinh năm 1992) một người dân sống tại tại Tăk Chươm cho biết anh đang tham gia đội cồng chiêng của làng. Hiện đội cồng chiêng của anh có 16 thành viên tham gia. Ngoài giờ lao động sản xuất, các thành viên của đội công chiêng lại tập trung, hăng say để luyện tập dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân cao tuổi trong làng. Từ đầu năm đến nay, đội công chiêng của anh Huân đã phục vụ nhiều đoàn khách đến thăm quan, trải nghiệm văn hóa. Anh cho biết trong tháng 8, dự kiến đội cồng chiêng của anh, sẽ được phục vụ khoảng 9-10 đoàn khách.

Sức sống mới ở ngôi làng mang tên họ Hồ tại Nam Trà My ảnh 4

Anh Hồ Văn Huân và con trai.

Hướng phát triển du lịch cộng đồng đã thực sự mở ra những cơ hội phát triển mới cho bà con làng Tăk Chươm, thu nhập của người dân được cải thiện, những nét văn hóa đặc sắc của địa phương được lan tỏa và thu hút khách du lịch tìm đến.