Nhóm các nền kinh tế mới nổi đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ nhiều quốc gia trên thế giới. Tại châu Á, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tuyên bố, Malaysia sẽ sớm bắt đầu quá trình xin gia nhập BRICS. Cùng với Malaysia, một quốc gia khác tại khu vực Đông Nam Á cũng mong muốn gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới.
Khẳng định việc trở thành thành viên BRICS sẽ mang lại lợi ích cho Thái Lan về nhiều mặt, Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke cho biết, Hội nghị thượng đỉnh BRICS, dự kiến diễn ra tại Nga vào tháng 10 tới, sẽ là cơ hội để Bangkok đẩy nhanh quá trình trở thành thành viên BRICS.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang nỗ lực mở cánh cửa gia nhập BRICS. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg mới đây, Tổng thống Bolivia Luis Arce nhấn mạnh, quốc gia Nam Mỹ này coi việc trở thành thành viên BRICS là một cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và chuyển đổi nền kinh tế.
Ngoài ra, La Paz cũng kỳ vọng việc gia nhập BRICS sẽ giúp Bolivia nâng cao vị thế và tăng cường trao đổi thương mại, do các thành viên BRICS đều là những quốc gia có nền kinh tế phát triển và là thị trường xuất khẩu hấp dẫn. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa bày tỏ mong muốn tham gia BRICS. Theo Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov, hiện có khoảng 30 quốc gia mong muốn gia nhập BRICS.
Với 10 thành viên trên khắp các châu lục Á, Âu, Mỹ, Phi và khu vực Trung Đông, BRICS có dân số khoảng 3,5 tỷ người, tương đương hơn 40% dân số thế giới, đồng thời chiếm 36% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 25% thương mại thế giới.
Giới phân tích cho rằng, không khó để lý giải sức hút từ BRICS. Với 10 thành viên trên khắp các châu lục Á, Âu, Mỹ, Phi và khu vực Trung Đông, BRICS có dân số khoảng 3,5 tỷ người, tương đương hơn 40% dân số thế giới, đồng thời chiếm 36% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 25% thương mại thế giới.
Các dự án kinh tế do BRICS triển khai cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt. Theo đó, Ngân hàng Phát triển mới (NDB), do các nước BRICS thành lập vào năm 2014 với số vốn lên tới 100 tỷ USD, đã phê duyệt các khoản vay cho nhiều dự án khác nhau với tổng trị giá khoảng 32 tỷ USD và dự kiến tăng lên 60 tỷ USD vào năm 2026.
Bên cạnh đó, tham gia BRICS giúp các nước mở ra cánh cửa thâm nhập nhiều thị trường mới nổi với đặc điểm chung là có tốc độ tăng trưởng dân số cao và nền kinh tế phát triển năng động, từ đó thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư. Tư cách thành viên BRICS cũng giúp các nước tiếp cận những thị trường và cơ hội đầu tư mới, giúp đa dạng hóa nền kinh tế và giảm rủi ro do phụ thuộc vào một hoặc một số đối tác thương mại.
Tiến sĩ Joseph Liow, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), nhấn mạnh, việc trở thành thành viên của “ngôi nhà chung” BRICS sẽ mang lại lợi ích về nhiều mặt, trong đó có nâng cao vai trò trên trường quốc tế và tăng cơ hội cùng tạo ra trật tự thế giới mới.
Với sức hút mạnh mẽ, BRICS đang thu hút ngày càng nhiều nước ủng hộ và chia sẻ quan điểm về các nguyên tắc nền tảng như bình đẳng chủ quyền, tôn trọng con đường phát triển, lợi ích của nhau và thúc đẩy trật tự quốc tế đa cực, hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu công bằng, theo đuổi giải pháp và hành động tập thể nhằm giải quyết thách thức toàn cầu.
Từ bốn thành viên ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, năm 2010, khối kết nạp Nam Phi. Mới đây, số thành viên của BRICS tăng lên gấp đôi với sự gia nhập của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Iran, Saudi Arabia, Ethiopia và Ai Cập. Việc đón nhận thêm ba cường quốc dầu mỏ là Saudi Arabia UAE và Iran giúp BRICS quy tụ các quốc gia chiếm 80% sản lượng dầu mỏ thế giới và trở thành một trong những khối dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định, BRICS đã trở thành một khối hùng mạnh và là “thỏi nam châm” thu hút nhiều quốc gia. Giới phân tích kỳ vọng, sự phát triển của BRICS sẽ góp phần quan trọng xây dựng một thế giới công bằng, hòa nhập và thịnh vượng.