Vị thế mới của BRICS

Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã trở thành thành viên chính thức của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) từ ngày 1/1. Việc tăng gấp đôi số thành viên đánh dấu nền tảng quan trọng cho sự hợp tác giữa các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, hướng đến tăng cường ảnh hưởng của nhóm trên toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà lãnh đạo thành viên ban đầu của khối BRICS. Ảnh: AP
Các nhà lãnh đạo thành viên ban đầu của khối BRICS. Ảnh: AP

Định hình động lực toàn cầu

Ra đời năm 2010, ban đầu gồm 4 nước thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, BRIC lấy tên ghép từ 4 chữ cái đầu của các nước. Sau khi Nam Phi gia nhập năm 2010, khối chuyển tên gọi thành BRICS. Ngày 1/1 vừa qua đã ghi dấu mốc lịch sử của BRICS khi nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới đón chào 5 thành viên mới, tăng gấp đôi số lượng. Đây là bước phát triển mạnh mẽ của BRICS kể từ khi được thành lập.

Trước đó, tại Hội nghị cấp cao lần thứ 15 của BRICS diễn ra tại thành phố Johannesburg (Nam Phi) vào tháng 8/2023, các nhà lãnh đạo của nhóm này đã đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc, tiêu chuẩn, tiêu chí và thủ tục hướng dẫn quá trình mở rộng, đồng thời quyết định mời thêm 6 nước, gồm UAE, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Argentina. Tuy nhiên, Argentina đã rút lui vào cuối tháng 12/2023 do thay đổi chính phủ sau bầu cử.

Theo Indian Express, từ khi mới thành lập, BRICS tập trung vào các vấn đề như hợp tác kinh tế, tăng cường hợp tác thương mại và phát triển đa phương. Ngoài ra, BRICS hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận. Tất cả các nước trong BRICS đều là thành viên của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20). Brazil mạnh về tài nguyên như sắt, dầu mỏ, năng lượng, nông nghiệp. Nga sở hữu nguồn dầu mỏ và khí đốt khổng lồ. Ấn Ðộ có vai trò và kỹ thuật cao trong công nghệ thông tin và là kho tri thức. Trung Quốc là một “đại công xưởng”, có nguồn nhân lực dồi dào và là nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Nam Phi là “đầu tàu” kinh tế lớn nhất ở châu Phi và trung tâm tài chính mạnh của kinh tế thế giới. Với sự mở rộng lần này, BRICS đang trong quá trình phát triển thành một trung tâm mới có ảnh hưởng lớn đối với nền chính trị và kinh tế toàn cầu.

Các thành viên BRICS có một điểm chung là tốc độ phát triển kinh tế cao. Trong lần mở rộng này, BRICS có thêm 3 thành viên là các cường quốc dầu mỏ, gồm có Saudi Arabia và UAE và Iran, giúp BRICS quy tụ các quốc gia chiếm 80% sản lượng dầu mỏ thế giới và trở thành một trong những khối dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu. Với 10 thành viên, BRICS mới mở rộng có tổng dân số khoảng 3,5 tỷ người, chiếm tới 42% dân số thế giới; có nền kinh tế tổng hợp trị giá hơn 28,5 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 28% nền kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo trong khối đã nhận định, việc mở rộng BRICS mang tính lịch sử, là khởi đầu mới cho đoàn kết và hợp tác, đáp ứng mong đợi của cộng đồng quốc tế, phục vụ lợi ích chung của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.

Trong giai đoạn tới, BRICS cũng sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong hệ thống kinh tế, tài chính toàn cầu. Sự tăng trưởng của nhóm có thể đánh dấu sự thay đổi trong bối cảnh địa-chính trị hiện nay, hứa hẹn sẽ mang lại sự đại diện lớn hơn cho các nền kinh tế mới nổi và cơ hội tăng cường hợp tác. Theo học giả về quan hệ quốc tế Ananya Raj Kakoti thuộc Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), quá trình mở rộng có khả năng mang lại thay đổi đáng kể trong thể chế BRICS. Việc bổ sung các thành viên mới tạo ra nhiều khác biệt về quy mô kinh tế, điều kiện kinh tế vĩ mô và mối quan hệ với các quốc gia không thuộc BRICS.

Do BRICS hoạt động dựa trên việc ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, nên việc đạt được sự đồng thuận giữa 10 quốc gia có đặc điểm là nền kinh tế, vị trí địa lý và lợi ích đa dạng có thể gặp khó khăn nhất định so việc đạt được sự đồng thuận giữa 5 thành viên ban đầu. Song, để bảo đảm tính hiệu quả và nhất quán liên tục của thể chế, về lâu dài, BRICS có thể lựa chọn tập trung vào các mục tiêu dễ đạt được hơn. Tuy nhiên, cũng theo học giả này, qua quá trình phát triển và vượt qua sự khác biệt, tìm tiếng nói chung, vai trò và ảnh hưởng BRICS đã, đang không ngừng mở rộng và ngày càng phát huy vị trí là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới.

Theo Sputnik, sau khi mở rộng, các nền kinh tế mới nổi sẽ có thể đẩy mạnh giao thương với nhau, ít phụ thuộc hơn vào các thể chế cũ. Diễn giả Lubinda Haabazoka thuộc Đại học Zambia (Zambia) cho rằng, việc mở rộng BRICS được coi là cơ hội để các nền kinh tế mới nổi được lắng nghe. Ông đánh giá cao nguyên tắc công bằng của nhóm, nhấn mạnh hoạt động của BRICS sẽ trở nên hiệu quả hơn sau khi mở rộng, bởi khối sẽ hoàn thiện hơn, các quốc gia sẽ bổ sung các mặt mạnh-yếu cho nhau.

Vị thế mới của BRICS ảnh 1

Hội nghị BRICS ở Nam Phi tháng 8/2023. Ảnh: GETTY

Bước tăng trưởng mạnh mẽ

Trong bối cảnh tình hình thế giới nói chung và nền kinh tế thế giới nói riêng đang thay đổi sâu sắc và phức tạp, vai trò của BRICS ngày càng được cộng đồng quốc tế đề cao. Tính từ ngày đầu năm 2024, Nga bắt đầu đảm nhận ghế Chủ tịch luân phiên BRICS, tiếp nối nhiệm kỳ của Nam Phi năm 2023. Với phương châm “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì an ninh và phát triển toàn cầu công bằng”, Nga giữ chức chủ tịch trong một năm và sẽ đăng cai tổ chức hội nghị cấp cao thường niên BRICS dự kiến tại thành phố Kazan vào tháng 10.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông có kế hoạch tăng cường vai trò của BRICS trong hệ thống tài chính quốc tế, đồng thời bảo đảm tạo điều kiện cho sự hội nhập hài hòa của những bên mới tham gia vào các hoạt động của nhóm. Về định hướng hợp tác BRICS, Tổng thống Putin nhấn mạnh, việc mở rộng thành viên cho thấy uy tín gia tăng của BRICS và vai trò của nhóm trong các vấn đề quốc tế. Nga sẽ đóng góp bằng nhiều cách để phát huy vai trò của BRICS trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách trong chương trình nghị sự toàn cầu.

Johannes Plagemann, một nhà khoa học chính trị tại Tổ chức nghiên cứu các vấn đề khu vực và toàn cầu (GIGA) ở Hamburg (Đức) cho biết, BRICS đã cho thấy luôn có sự đồng thuận cơ bản và nhấn mạnh hợp tác là xu hướng chủ đạo bất chấp sự tồn tại của cạnh tranh. “BRICS đang nỗ lực xây dựng toàn cầu hóa mới một cách toàn diện, cởi mở để hỗ trợ và hội nhập lẫn nhau, không lặp lại sai lầm của quá trình toàn cầu hóa trước đây”, ông nói.

Nhiệm kỳ Chủ tịch BRICS năm 2024 tập trung thực hiện Kế hoạch hành động hợp tác đổi mới giai đoạn 2021-2024 và Chiến lược đối tác kinh tế BRICS đến năm 2025; tăng cường phối hợp chính sách tại các diễn đàn quốc tế, hợp tác về các vấn đề chống khủng bố, rửa tiền, an ninh thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI)…

Với lộ trình phát triển trong giai đoạn hợp tác sắp tới, BRICS đang thu hút ngày càng nhiều nước ủng hộ và chia sẻ quan điểm về các nguyên tắc nền tảng như bình đẳng chủ quyền, tôn trọng con đường phát triển, lợi ích của nhau và thúc đẩy trật tự quốc tế đa cực, hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu công bằng, theo đuổi giải pháp và hành động tập thể nhằm giải quyết thách thức toàn cầu.