Sức hấp dẫn kỳ lạ của ông Sáu Dân

NDO - So với những người cùng thời, có lẽ ông Sáu Dân là người được giới cầm bút đề cập đến nhiều nhất. Nếu tính cả những bài viết về ông từ khi ông còn ở cương vị trọng trách cao nhất của Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là người đứng đầu Chính phủ cho đến khi ông đã thôi hết các chức vụ nhưng vẫn không ngừng làm việc như một nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội độc lập, thì số lượng ấy đủ để làm nhiều cuốn sách chắc chắn có sức thu hút người đọc.
0:00 / 0:00
0:00

Tạo được sức hấp dẫn đích thực cho các cây bút đích thực, đó là điều mà ông Sáu và một số rất ít nhà lãnh đạo khác ở Việt Nam trong khoảng hơn nửa thế kỷ qua đã làm được. Làm được, không có nghĩa là cố tạo ra. Làm được ở ông Sáu (và số ít người lãnh đạo khác) đó chính là tự làm ra mình trong cuộc sống, như nhận xét về ông của ông Việt Phương - người có cơ hội sớm được làm việc và làm việc lâu với những người lãnh đạo cao nhất của đất nước.

Cuộc sống mà ông Sáu tự làm ra mình trong đó có biết bao tình huống và những khúc quanh, thử thách ông trong cách xử lý, đương đầu và vượt qua. Đã nhiều lần ông nói với những người cộng sự gần gũi, rằng đứng bên ông trong những lúc nan giải của công việc bao giờ cũng có hình ảnh, tiếng nói của người dân đủ mọi tầng lớp mà ông luôn tìm dịp gần gũi và luôn thực sự lắng nghe. Nghe dân, dù họ đang ở hoàn cảnh nào, vị thế nào, với ông đó là cách tốt nhất để hiểu con người, để nắm bắt được thực tế cuộc sống và từ đó đưa ra được những kiến giải thiết thực, cụ thể.

Nghe dân, ở ông Sáu là cái cách nghe trực tiếp, nghe chăm chú, nghe để học hỏi, để đối chiếu và đối thoại. Tuyệt nhiên không phải cái cách nghe cho có lệ, nghe qua người khác và tin theo đó không cần qua kiểm chứng.

Hồi công trình thủy điện Trị An đang thi công, ông Sáu là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy. Chạy gạo cho dân thành phố, tìm cách giữ chân các chuyên gia giỏi của chế độ cũ để họ không vượt biên, lo nguồn thuốc chữa bệnh cho dân. Công việc chồng chất như chực xô ngã người cầm trịch. Vậy mà cứ cách tuần ông lại chạy lên Trị An. Lái xe cho ông hồi đó là anh Minh còn nhớ rõ, cứ 5 giờ chiều từ Sài Gòn đi, tối làm việc và nghỉ đêm ngay tại công trường, 4 giờ sáng hôm sau khởi hành về. Không phải ông đi kiểm tra. Thiếu tướng Trần Văn Danh, Ba Trần - người ông chọn làm tổng chỉ huy xây dựng thủy điện Trị An đã cho ông niềm tin rất lớn về công tác điều hành.

Ông đi Trị An thường là vì ông muốn trực tiếp động viên tập thể kỹ sư, công nhân làm việc tại đây. Lý do khác, quan trọng hơn, ông muốn trực tiếp nghe anh em nhận xét, góp ý thêm cho công tác quản lý. Bởi vì ông biết chắc, một công trình thủy điện lớn lần đầu tiên triển khai thực hiện ở miền Nam sau ngày giải phóng dù quản lý kỹ đến đâu cũng khó bao quát hết. Nhờ những chuyến đi như thế, rất nhiều chi tiết công việc đã được điều chỉnh kịp thời, bảo đảm hoàn thành công trình về tiến độ lẫn chất lượng và, thật khác với hiện nay, không có hiện tượng thanh toán gian lận, "rút ruột" công trình.

Một câu chuyện khác. Khoảng năm 1978-1979, ông Sáu đã từng ngồi sau một bức màn ngăn cách giữa hai phòng ở báoTuổi trẻ (trụ sở lúc đó còn ở 12 Duy Tân) để nghe các ca sĩ nói với các nhà báo về một bức bối đáng báo động: Sài Gòn giải phóng hơn một ngàn ngày rồi mà nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người dân vẫn chưa bình thường. Phòng trà ca nhạc đóng cửa hết, người ta muốn đi nghe nhạc mà chẳng biết ngồi ở đâu và được nghe những bản nhạc nào. Những nghệ sĩ càng nói càng hăng, vì chẳng có lãnh đạo nào ngồi đó mà họ phải e dè. Sau cái cuộc ngồi nghe bí mật đó của ông Sáu, hàng loạt tụ điểm ca nhạc ngoài trời đã được tổ chức trong khắp thành phố. Câu chuyện về vở kịch Hà My của tôi do Đoàn kịch nói Hà Nội dàn dựng cũng vậy. Vở diễn này chỉ trích mạnh mẽ những tiêu cực ẩn chứa trong công tác tổ chức, cán bộ và vì vậy đã bị đánh giá khá nặng nề. Thậm chí một vài cán bộ có thẩm quyền đã đề nghị tạm ngưng diễn.

Nghe chuyện, ông Sáu đã mời soạn giả Lê Duy Hạnh và vài anh em làm công tác sân khấu đến nói cho ông nghe về vở kịch. Rồi ông quyết định mời Đoàn kịch nói Hà Nội mang vở này vào Sài Gòn. Ông đã trực tiếp đi xem, ngồi trọn buổi. Sau đó, ông chính thức đánh giá: Sớm nói thẳng cái chưa tốt trong bộ máy chúng ta để sửa đổi và phòng ngừa thì có gì bất lợi đâu. Vở kịch rất tốt, nó làm cho người xem phải day dứt vì trong sân khấu và cũng là cuộc đời ấy, người tốt bị cái xấu xa giả danh cái tốt ở ngay trong bộ máy làm cho điêu đứng cùng cực. Sau "cú hích" đó của ông Sáu, Sài Gòn nô nức đến rạp với Hà My của tôi xem và bàn luận say sưa, cứ thế suốt một thời gian dài... Giới sáng tác sân khấu, cứ như thể được bật đèn xanh, bắt đầu cựa quậy tìm lối thể hiện mới...

Cái cách tiếp cận cuộc sống và công việc như vậy đã trở thành phong cách ông Sáu Dân. Và phong cách ấy đã khiến cho rất nhiều người dễ gần ông và muốn gần ông. Cán bộ, trí thức, văn nghệ sĩ..., dẫu có khác nhau thế nào về lứa tuổi, chức vụ, trình độ, cảnh ngộ, cá tính thì tất thảy đều cảm thấy có thể bộc bạch với ông từ chuyện chung đến chuyện riêng. Tất thảy đều nhận được từ ông sự cảm thông về cảnh ngộ, sự chia sẻ về những khó khăn và sự hàm ơn về những đóng góp cho sự nghiệp chung.

Phong cách ông Sáu Dân trong công việc là vậy. Còn trong cuộc sống đời thường, những người cùng sống hoặc từng tiếp xúc đều nhận ra ở ông một cách ứng xử rất riêng. Cái gì cần cho bản thân, hợp với bản thân là ông chọn. Không cần nhìn ngang ngửa để điều chỉnh cho "vừa mắt" ai đó. Ông thường nói với những người thân thỉnh thoảng quây quần bên ông: "Con người ta sanh ra đâu có ai tròn trịa hoàn toàn. Bản lãnh khác nhau, sở thích khác nhau, nhu cầu khác nhau cũng làm cho sự không tròn trịa của mỗi người có khác. Đừng sợ sự không tròn trịa. Chỉ nên sợ mấy thứ này: dốt mà không chịu học, làm chuyện gì cũng lớt lớt, thiếu ngay thẳng, trộm cắp, cửa quyền, thờ ơvới việc chung". Ông chọn xe đạp và tennis để giải trí và rèn luyện sức khỏe. Việc ông sớm chọn tennis từ đầu những năm tám mươi cũng đã từng làm cho người này người khác nói ra nói vào. Ông nghe nhưng chẳng mảy may "điều chỉnh" vì thấy sở thích của mình không vi phạm cái gì, cũng chẳng làm tổn hại ai.

Ông Sáu thích đọc sách. Sở thích và cũng là nhu cầu ấy của ông không có nhiều người biết. Người ta nghĩ đơn giản, ông học vấn không cao, trách nhiệm công việc lớn, sao có thời gian, sao có nhu cầu về sách? Những người đồng liêu với ông có cách suy nghĩ ấy không biết, với ông sách vừa là sở thích, vừa là công cụ bồi bổ tri thức. Thủa tráng niên, thời gian dành tất cả cho cuộc chiến đấu, ông đâu có điều kiện đọc sách theo sở thích.

Sau giải phóng 1975, là Chủ tịch Ủy ban nhân dân và sau đó là Bí thư Thành ủy, công việc ngập lút đầu nhưng ông vẫn tìm được thời gian cho sách. Nghe giới thiệu có cuốn sách nào đang được người đọc chú ý, ông bảo người thân cận kiếm liền cho ông. Có cuốn ông "gặm" (cách ông nói) cả tháng mới xong. Có cuốn ông đọc liền một mạch, rồi đọc đi đọc lại. Chuyện thường ngày ở huyện của Oveskin, Thao thức của Alechxan Kron, Đôi bờ... là những cuốn ông đã đọc như thế. Gặp lúc có chút giờ rảnh, ngồi với những người bạn vong niên, ông hồn nhiên và hăm hở chia sẻ những câu, những đoạn ông tâm đắc vì nó như vận vào vừa khít với thực tiễn còn quá nhiều trăn trở, bối rối mà ông đang cùng với nhiều người có trách nhiệm xem xét, tháo gỡ.

Cái cách ông mê sách và thực sự trân trọng sách như một công cụ chuyển tải tri thức được anh em cán bộ thân cận và anh em trí thức đánh giá cao. Nhưng cũng có những người, ít thôi, bóng gió dè bỉu sau lưng, cho ông là "nông dân mà học đòi trí thức". Ông biết và lại bình thản nhắc những người gần gũi khi họ phản ứng với thái độ đó: "Không sao cả, họ nghĩ như vậy cũng có cái lý. Mình là nông dân thiệt, ham học là để bớt dốt, để đỡ cản trở anh em trong công việc mà thôi.

Có thể cái sự không cam chịu "nông dân một bề" của mình làm cho một vài ai đó không hiểu hoặc không thích. Nhưng mà, nếu "học đòi trí thức" để bớt dốt, để có lợi hơn cho công việc chứ không phải để làm bộ và bị anh em có thực học lột tẩy, thì cũng nên học đòi!”.

Kết thúc những lần "tiếp thu ý kiến đóng góp" theo kiểu "rất chi là Sáu Dân" như vậy bao giờ ông cũng cười rất tươi. Nụ cười của ông, giống như các nhà nhiếp ảnh đã nhiều lần ghi lại được: một chút giễu cợt, rất nhiều bao dung và thành tâm. Đã có người nhận xét, phong cách sống của ông hiện lên rất rõ trong nụ cười có sức thu hút đặc biệt ấy.

Nhớ về ông Sáu Dân trong những chặng đường hoạt động ởvị trí lãnh đạo, nhiều người đã nhấn mạnh đến sự dấn thân rất nổi bật ở ông, dĩ nhiên là không phải chỉ mình ông có sự dấn thân ấy. Trong hàng ngũ những lão thành cách mạng, trước ông và sau ông đã có rất nhiều người dấn thân. Trong lao tù, trên chiến trường, trong lòng địch. Không có sự dấn thân của những người yêu nước ở các vị trí khác nhau thì chắc chắn không thể có độc lập dân tộc năm 1945 và hòa bình, thống nhất đất nước năm 1975. Ông Sáu Dân cũng ở trong số đông trong những chặng đường lịch sử đó.

Nhưng mà, sự nghiệp cách mạng lâu dài và đặc biệt ởnước ta cũng đã đòi hỏi ở người cách mạng như ông Sáu Dân những cách dấn thân mới, day dứt tâm can hơn, quyết liệt hơn, tựa như sự sinh tử tinh thần. Biết gạt bỏ định kiến với những người một thời ở bên kia chiến tuyến để phát huy tốt khả năng của họ cho đất nước. Dám chịu trách nhiệm để cùng anh em "xé rào", "bung ra” trong bối cảnh cơ chế quản lý xơ cứng gây ngột ngạt cho đời sống kinh tế, xã hội những năm cuối thập niên bảy mươi.

Dám nghĩ tới và kiên trì vận động thực thi những giải pháp có lợi cho đoàn kết dân tộc cho dù những giải pháp ấy vấp phải rào cản tư duy lớn đến thế nào (như việc bình thường hóa hoạt động thăm viếng, di dời mộ phần ở nghĩa trang quân đội chế độ cũ trước năm 1975, như việc tổ chức cầu siêu chung cho những người tử vong do chiến tranh...).

Dám đề xuất những cải cách lớn về chính trị để Đảng thực sự là Đảng của những lợi ích toàn dân tộc (như vấn đề làm mới sự chuẩn hóa cán bộ lãnh đạo; như việc thay đổi hẳn cách đề cử, bầu cử trong Đảng và Quốc hội; thay đổi hẳn công tác tuyên giáo, quản lý báo chí...). Chủ động đặt vấn đề cơ chế hóa và thực hiện một cách linh hoạt sự đóng góp trực tiếp của đội ngũ chuyên gia cho sự điều hành của Chính phủ (Tổ chuyên gia tư vấn). Chủ động gợi ý việc nghiên cứu, xem xét lại một cách khách quan và bao dung những "tồn đọng" trong cách nhìn nhận, đánh giá các hiện tượng và nhân vật lịch sử (như vấn đề nhà Nguyễn - triều Nguyễn, như nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản). Bất chấp những hiểu lầm cay nghiệt, những xúc phạm nặng nề bóng gió hoặc công khai trên báo chí nước ngoài và ở cả Việt Nam, ông Sáu Dân đã nhẫn nại đi đến phút cuối cuộc dấn thân mới mẻ và đầy thử thách đó.

Gần đến ngày giỗ đầu của ông Sáu Dân có một gia đình người Việt sống ở Montréal (Canada) nhớ thương ông và thắp nén nhang vọng về cho ông. Đôi vợ chồng ấy cưới nhau năm 1980 ở Thành phố Hồ Chí Minh và đến năm 1993 đi chính thức định cư theo diện bảo lãnh gia đình. Hai mươi chín năm trước, khi chàng trai hai mươi hai và cô gái hai mươi lăm ấy quyết định kết hôn, họ vấp phải sự phản đối gay gắt của đằng trai (bao gồm mẹ và tất cả bạn bè, đồng chí của cha mẹ). Lý do cụ thể và đơn giản: đằng trai là gia đình một cán bộ cao cấp trong quân đội cách mạng đã hy sinh năm Mậu Thân 1968, đằng gái là gia đình một trung tá chế độ cũ đang đi học tập cải tạo chưa được tha về.

Hai gia đình khác biệt chính trị như vậy, cho tụi nó lấy nhau thì làm sao mà quan hệ sui gia bình thường được! Không thể cho chúng nó lấy nhau! Không có người mang trầu cau sang nhà gái dạm hỏi, chàng trai tự thưa với người sẽ là mẹ vợ tương lai: "Con chỉ có một mình sang đây xin cưới và nhất định sẽ cưới Th. làm vợ vì con yêu cô ấy". Thấy nét mặt buồn buồn của người mẹ và giọt nước mắt tủi thân của người mình yêu, chàng trai nghĩ mãi không biết phải làm cách gì để "chính thức hoá” cuộc hôn nhân "tréo ngoe" của mình trước khi liều tổ chức đám cưới không có sự tham dự của đằng trai.

Chẳng biết làm sao chuyện này đến tai ông Sáu. Chàng trai được ông Sáu Dân nhắn: "Bây tới gặp tao, đem luôn nhỏ đó tới cho tao gặp". Vừa mừng vừa lo, chàng nghĩ, ông từng là cấp trên, là đồng chí của cha mình, bây giờ lại đang là Bí thư Thành ủy, ông vun vào cho thì coi như đám cưới sẽ được "ký", không phải "cưới chui" nữa. Bằng như ngược lại thì không biết sẽ còn khó khăn thêm cỡ nào. Toà nhà 56 Trương Định không xa Quận 10 bao nhiêu mà chàng và nàng đạp xe trong ngao ngán, cảm giác đi hoài không tới.

Trong ánh nắng chiều đang nhạt đi trên các khóm lá trong vườn, ông Sáu niềm nở đón đôi khách trẻ, hỏi cặn kẽ chuyện học hành, chuyện tình yêu của hai đứa. Nghe đến đoạn chàng là đoàn viên thanh niên cộng sản được phân công giúp đỡ cảm hóa những bạn có cha là sĩ quan chế độ cũ đang đi học tập cải tạo, trong đó có nàng, ông phá lên cười ha hả: "Rồi rồi, mày cảm trước còn hoá gì nữa!”. Sau tiếng cười vui, ông im lặng một lúc rồi nói như cách cha nói với con, rằng ông tin hai đứa yêu nhau thật lòng, ông ủng hộ cuộc hôn nhân này, nhưng muốn cả hai phải thấy trước những khó khăn tinh thần do sự khác biệt giữa hai gia đình để mà cùng nhau chịu đựng, cùng nhau vượt qua. Ráng mà sống tử tế với nhau, đừng có mỗi lúc mệt mỏi trước các thử thách của cuộc sống lại trách móc làm khổ nhau và khổ cho cả những người đã ủng hộ lựa chọn của mình. Sau cuộc gặp đó với đôi trẻ, ông Sáu còn gặp bà mẹ của chàng trai.

Ông nói thật ngắn, thật rõ ràng, vừa như an ủi, vừa như kêu gọi và thuyết phục người vợ liệt sĩ, đồng đội của ông: "Chị à, tụi nó yêu nhau thật lòng, dám chấp nhận những thiệt thòi có thể có khi đến với nhau trong khi bối cảnh định kiến còn nặng nề và có lẽ còn khá lâu dài. Thương con thì nếu chưa nhiệt tình tán thành cũng đừng cản trở nó. Những định kiến rồi sẽ phải qua, nếu không thì cộng đồng dân tộc làm sao liền lạc, mạnh mẽ được hả chị. Vả lại, chị nghĩ coi, mình nói không phân biệt đối xử với những người khác chính kiến, khác lựa chọn chính trị và hiện nay đang ở lại với đất nước. Nói thì dễ, nhưng khi cái chuyện tréo ngoe đó rơi vô chính gia đình mình thì mình xử đâu có ngon như nói!. Nếu ai cũng vậy, làm sao người ta thực tin mình, thực tâm muốn sống lâu dài với mình trên đất nước này, phải không chị. Tôi ủng hộ tụi nó đến với nhau, chị đừng giận tôi nghe. Nếu có khó khăn gì thì cứ cho tôi biết".

Người mẹ, người vợ liệt sĩ ấy không hề phiền đến ông Sáu một lần nào sau cuộc gặp gỡ đó. Những lời ông nói, với bà, giống như một điểm tựa tinh thần mạnh mẽ để vượt qua những đàm tiếu dai dẳng trong chính những người bạn cùng gia cảnh cán bộ. Thật may mắn, cha mẹ vợ của con trai bà thực sự là những người tử tế một cách không cần phải lên gân, cố gắng. Quan hệ sui gia êm ả suốt gần ba chục năm qua như thể chưa từng có một trở ngại, cách biệt nào. Thằng cháu đầu lòng nay đã tốt nghiệp đại học, xấp xỉ ba mươi tuổi. Cháu bé, sản phẩm đẹp của những tấm lòng rộng mở, trước hết là tấm lòng ông Sáu, sống ở xứ người, nó vẫn thấy tấm ảnh ông nội sĩ quan liệt sĩ của nó được treo lớn trong nhà, các bác, các cô và ông bà ngoại không bao giờ có cử chỉ gì làm nó buồn về ông nội nó.

Và câu chuyện cha mẹ nó được tác thành bởi một con người như thế nào nó cũng đã được nghe. Nó không xem ông là ông Thủ tướng. Chàng trai trẻ đến độ yêu đương, trước những xao động của tình cảm và thời cuộc trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đôi lúc cũng thoáng hình dung ra ông - cái người mà cha mẹ nó luôn kính trọng. Nó thấy ông là một con người đặc biệt, một người có sức hấp dẫn những người trẻ như nó…