Suất cơm nghĩa tình

Cách đây bốn tháng, Lê Thành Công, chủ quán cơm tấm Thanh Niên ở huyện Hóc Môn khởi động mô hình chia sẻ suất cơm nghĩa tình dành cho người có hoàn cảnh khó khăn với thông điệp đơn giản đính kèm trên chiếc thùng cách nhiệt đặt trước quán: “Cơm treo gửi tới cô chú khó khăn. Mở lên nếu có hãy lấy một phần”.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Công chuẩn bị các suất ăn tại quán cơm tấm của mình.
Anh Công chuẩn bị các suất ăn tại quán cơm tấm của mình.

Doanh thu quán cơm tấm không quá cao nhưng mỗi ngày anh Công đều chuẩn bị sẵn vài suất cơm “0 đồng” dành tặng các mảnh đời khó khăn. Từ tháng 4, chỗ cái cây trước quán, anh đặt thêm một thùng giữ nhiệt lớn khiến nhiều người đi đường tò mò. Vài cô chú bán vé số, lượm ve chai đi ngang thấy lạ vào hỏi thăm, nhân viên của quán liền vui vẻ giới thiệu mô hình “Cơm treo” và khung giờ mở cửa để nếu tiện, ai cũng có thể đến mở thùng, nhận cơm. Bên trong quán, anh Công dán mấy tờ giấy chia sẻ ngắn gọn: “Đêm nay các em và cô chú khó khăn sẽ không sợ đói nữa vì đã có những phần “cơm treo” của bạn. Chúng ta hãy gửi những phần cơm vào cây phía trước nhé! Hãy cho đi ngay khi chỉ có một chút”.

Mỗi suất cơm tấm tại quán, anh Công quy định mức giá từ 35 đến 50 nghìn đồng tùy lượng thức ăn. Với mỗi suất “cơm treo” có chất lượng tương đương phần bán 40 nghìn đồng, anh thu của khách 20 nghìn đồng. Như vậy, khách tặng một nửa, quán tặng một nửa suất ăn nghĩa tình cho người có nhu cầu. Ghé dùng bữa tối, nhìn lên tường thấy thông tin về “cơm treo”, anh Đinh Thế Hưng (nhà tại huyện Hóc Môn) thấy hay nên vội hỏi thăm chủ quán. Nghe anh Công giới thiệu, anh Hưng mở ví lấy tiền, nhờ quán gửi tặng vài suất “cơm treo” cho người nghèo. “Mình thêm chút tiền, quán thêm chút tiền, góp thành phần cơm nóng hổi, chất lượng dành tặng các mảnh đời khó khăn, quá ý nghĩa. Tôi thấy đây là mô hình rất nhân văn, chủ quán còn trẻ mà đã biết cách san sẻ như vậy thật đáng quý. Tôi sẽ về giới thiệu với bạn bè, người thân để mọi người ra đây ăn cơm và ủng hộ hoạt động này”, anh Hưng vui vẻ chia sẻ.

Mấy tháng nay, khách đến ăn, thi thoảng lại nhờ quán gửi vài suất “cơm treo” vào thùng. Những hôm vắng khách, “cơm treo” ít, Công dặn nhân viên làm vài hộp đem bỏ vào thùng để lỡ mấy cô chú đi ngang qua không thấy gì lại buồn. Người nhận cơm miễn phí tại quán phần lớn là các cô chú khó khăn, cao tuổi, đi bán vé số, lượm ve chai và thuê trọ gần đó. Anh Công cho biết, một suất cơm giá trị không cao nhưng với các cô chú, đó là cử chỉ quan tâm, vỗ về trong chuỗi ngày nhọc nhằn mưu sinh. Vậy nên, dù điều kiện kinh tế không khá giả, anh vẫn chọn cách cho đi. Khách tặng cơm không cần ghi danh, người nhận cũng chẳng nặng lòng khi “mắc nợ” ai, suất cơm cứ vậy làm ấm lòng, chắc dạ những người khó khăn.

Tầm 17 giờ, bà Kiều Thị Ngọc Sương ghé quán, mở thùng xem đã có “cơm treo” chưa. Thấy hộp cơm nóng hổi trong thùng giữ nhiệt, bà cười, gương mặt đong đầy hạnh phúc. Từ miền Tây lên thành phố bán vé số dạo nhiều năm nay, bà Sương thuê trọ gần quán cơm tấm này. Trước kia, khi bệnh gan chưa trở nặng, mỗi ngày bà đi bán vé số dạo, chăm chỉ cũng kiếm được 100 nghìn đồng, đủ trang trải cuộc sống. Nhưng vài tháng nay, bệnh nặng, bao nhiêu tiền dành dụm lo thuốc men, bà hết vốn lấy vé số bán, đành đi lượm ve chai. Nghe thông tin về “cơm treo” của quán, bà tìm tới. Cầm phần cơm trên tay, bà Sương nói, giọng không giấu được niềm xúc động: “Có cơm này, tối nay tôi không lo đói bụng nữa. Cơm tặng nhưng chất lượng lắm, đầy đủ thịt canh như người ta ăn trong quán. Chỉ mong nhiều người khó cũng được tặng “cơm treo” như tôi”.

Triển khai mô hình được một thời gian, quán anh Công có thêm vài vị khách đặc biệt. Tùy vào từng trường hợp, anh có cách hỗ trợ khác nhau, miễn sao tận tình và ấm áp nhất. Anh Công hay dặn nhân viên trong quán, mỗi lúc có người đến mở thùng lấy cơm hãy mỉm cười rồi lặng im, quay đi làm việc của mình để không ai ngại ngùng. Mọi người cảm nhận được ý nghĩa trong mô hình này nên lan tỏa thông tin và tìm đến chung tay. Nhờ vậy, suất “cơm treo” giờ đã nhiều hơn trước. Anh Công kể, nhiều khách ghé ăn đĩa cơm rồi vui vẻ “treo” thêm mấy suất tặng người nghèo. Họ nói, mình ăn bớt một chút để thêm nhiều người no bụng thì rất đáng. “Mấy tháng qua, thùng đựng “cơm treo” trước quán đã trở nên quen thuộc với nhiều cô chú. Nhìn nụ cười của họ khi cầm phần cơm trên tay, tôi và anh em trong quán thấy rất vui vì biết mình làm điều có ý nghĩa cho người cần. Chỉ mong bất cứ khi nào các cô chú cần, mở thùng ra đều có sẵn cơm canh nóng hổi. Và tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều hàng quán “treo” cơm, “treo” nước tặng những mảnh đời khó khăn như thế. Phần quà nhỏ vậy thôi nhưng tôi tin các cô chú mừng lắm vì ngay lúc khó vẫn có người quan tâm”, anh Công chia sẻ ■