Bằng tâm huyết, năng lực chuyên môn vững vàng, các thầy, cô giáo ở Hà Tĩnh đã truyền cảm hứng, khơi gợi ý chí, khát vọng vươn lên cho các em học sinh, từ đó nỗ lực học tập, lao động, chung tay, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.
Cánh chim đầu đàn
Tại khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, câu chuyện về các em học sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh được vinh danh trên bảng vàng các cuộc thi quốc tế, quốc gia… dường như không còn xa lạ. Là điểm đến, nơi quy tụ các học sinh ưu tú, xuất sắc của vùng đất học Hồng Lam, hơn 30 năm qua, các thế hệ thầy, cô giáo tại ngôi trường này luôn tự hào và làm tốt sứ mệnh trao truyền thi thức, cùng học trò chinh phục đỉnh cao tri thức.
Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh Hoàng Bá Hùng cho biết: Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh được thành lập năm 1991, ngay sau khi tái lập tỉnh Hà Tĩnh với nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng những học sinh trên địa bàn tỉnh có năng khiếu các môn văn hóa bậc THPT nhằm góp phần đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước. Từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã có 1.561 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa và 9 em đoạt giải quốc tế, trong đó có 2 học sinh đoạt Huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế, 2 học sinh đoạt Huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế, 2 học sinh đoạt Huy chương bạc Olympic Toán học quốc tế, 1 học sinh đạt Huy chương đồng Olympic Toán học quốc tế... Kết quả này đã góp phần quan trọng để Hà Tĩnh luôn đứng ở Tốp 10 toàn quốc về số lượng học sinh dự thi đạt giải học sinh giỏi quốc gia và đứng thứ 8 toàn quốc về số lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực.
Bằng tâm huyết, năng lực chuyên môn vững vàng, các thầy, cô giáo ở Hà Tĩnh đã truyền cảm hứng, khơi gợi ý chí, khát vọng vươn lên cho các em học sinh, từ đó nỗ lực học tập, lao động, chung tay, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.
Theo chia sẻ của các thầy, cô giáo, thành quả đạt được của thầy và trò Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh trong mỗi giai đoạn luôn in đậm dấu ấn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi tối đa của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành giáo dục Hà Tĩnh, thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách như: Điều động, thu hút những cán bộ, giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi về trường công tác; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học ngày càng cao; trao quyền chủ động cho nhà trường, ban hành chế độ, chính sách đãi ngộ cho giáo viên và học sinh giỏi...
"Nhờ đó, xuyên suốt quá trình lao động, sáng tạo, chúng tôi đã tạo dựng một đội ngũ nhà giáo tâm huyết, tận tâm với nghề. Từ những thầy, cô giáo có năng lực, khát vọng đổi mới được điều động về trường những ngày đầu, đến những giáo viên có tay nghề, những sinh viên sư phạm xuất sắc mới ra trường được tuyển dụng theo dạng thu hút... đều được gắn kết với nhau trong môi trường năng động đoàn kết", thầy Hoàng Bá Hùng nhấn mạnh.
Theo thầy Hoàng Bá Hùng, ngoài các thầy, cô giáo có kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế như: Nguyễn Thị Mỹ Bình, Lê Phi Hùng, Trần Đình Hữu, Hoàng Văn Nam... đã làm rạng danh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, rất nhiều thầy, cô giáo từng là học sinh của nhà trường đoạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, sau khi tốt nghiệp đại học ngành sư phạm đã trở về tiếp bước và cùng nhau viết nên những kỳ tích mới cho sự nghiệp "trồng người" như thầy, cô giáo: Trần Thị Ái Huế, Trần Tố Uyên, Nguyễn Thị Vũ Ngọc, Phan Văn Đức Nhật...
Điều đáng ghi nhận là cùng với việc thường xuyên cập nhật, kết hợp tự bồi dưỡng và bồi dưỡng giáo viên thông qua tổ nhóm chuyên môn và tăng cường giao lưu học tập với các trường chuyên có chất lượng cao trong cả nước, nhiều giáo viên tự nghiên cứu tài liệu quốc tế, đề thi trong nước, quốc tế... để biên soạn giáo trình bồi dưỡng học sinh giỏi, cũng như áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến của thế giới vào giờ dạy của mình.
Qua trao đổi với các thầy, cô giáo, chúng tôi được biết thêm, trong môi trường giáo dục hạnh phúc, an toàn được kiến tạo vững chắc, ngoài việc đề cao và tôn trọng sự khác biệt để giáo viên, học sinh phát huy tối đa năng lực sáng tạo, thăng hoa, qua đó khẳng định phẩm chất, trí tuệ của mình; tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường luôn tận tụy với nghề giáo, yêu thương học trò hết mực.
Giờ học tại Trường THPT Nghi Xuân (Hà Tĩnh). |
Đồng hành cùng học trò vùng khó
Trường THPT Nghi Xuân đảm nhận vai trò rèn chữ, rèn người cho con em các xã vùng bãi ngang phía nam huyện Nghi Xuân. Theo chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, ngoài nhiệm vụ "gieo chữ", không ít thầy, cô giáo ở đây phải đảm nhiệm thêm vai người mẹ, bạn đồng hành với các em.
Phần lớn người dân nơi đây lựa chọn xuất khẩu lao động là con đường để phát triển kinh tế, do đó, một số gia đình chưa chuyên tâm đến sự học của các con. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu quyết tâm, nỗ lực vươn lên trong học tập của không ít học sinh. Nhận diện được khó khăn này, Ban giám hiệu nhà trường đã phân công giáo viên chủ nhiệm phối hợp các tổ chức đoàn thể của nhà trường nắm bắt, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của các em, nhất là những thay đổi tâm lý của học sinh để kịp thời uốn nắn, định hướng, tránh vướng vào những cạm bẫy.
Cô Đinh Thị Hương Dịu, Bí thư Đoàn Trường THPT Nghi Xuân chia sẻ: "Thông qua hộp thư "Điều em muốn nói", chúng tôi biết được có rất nhiều em ấp ủ ước mơ vào giảng đường đại học, tuy nhiên một số phụ huynh chỉ muốn con em mình học hết cấp 3 và đi xuất khẩu lao động. Vì thế, không ít em học tập cầm chừng, thể hiện thái độ bất cần trước cuộc sống. Một số em do phải sống xa cha mẹ từ nhỏ nên dễ vướng vào chuyện tình cảm, yêu đương từ sớm... Vì vậy, định hướng nghề nghiệp, tư vấn tình yêu, tình bạn tuổi học trò, luôn được nhà trường quan tâm, với nhiều giải pháp, hình thức linh hoạt và mang lại kết quả tích cực".
Các thầy, cô giáo luôn nỗ lực trong việc tiếp cận các phương pháp mới để nâng cao chất lượng dạy học, tình nguyện bám lớp, bám trường. Nhờ đó, nền nếp, chất lượng giáo dục nhà trường ngày càng được cải thiện. Trong 5 năm học gần đây, Trường THPT Nghi Xuân luôn đứng tốp đầu của tỉnh về kết quả thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng, đặc biệt năm học 2023-2024, nhà trường có điểm số tốt nghiệp trung bình và số lượt học sinh có tổ hợp xét tuyển đại học từ 28 điểm trở lên cao nhất tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Lê Nam cho biết, điểm chung của các thầy, cô giáo ở Hà Tĩnh, nhất là những thầy, cô đang công tác ở khu vực điều kiện kinh tế khó khăn là tinh thần chịu khó, lấy sự đồng cảm, tình yêu thương học trò để đồng hành, sẻ chia với các em.
Chúng tôi có mặt tại Trường THPT Cao Thắng, nơi các em học sinh của trường đều xuất thân từ gia đình thuần nông ở khu vực miền núi, biên giới, nơi thường xuyên phải gánh chịu những tác động bất thường của thiên tai. Thầy giáo Hồ Tiến Dương, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự, làm thế nào để rút ngắn khoảng cách chất lượng đầu vào, "điều hòa" năng lực học tập, giúp học trò vượt qua các thử thách, nhất là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông là câu hỏi thường trực của các thầy, cô. Từ trăn trở đó, sau khi nhà trường tiến hành đánh giá, phân loại học sinh, các giáo viên đã cùng nhau xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, phương pháp dạy học cho từng đối tượng học sinh. Việc bổ sung kiến thức cho học sinh cũng được giáo viên bộ môn tranh thủ mọi lúc mọi nơi, từ dạy học trực tiếp đến trực tuyến hoặc thông qua các nền tảng số. Quá trình ôn tập kiến thức cho các em được trường duy trì đến sát ngày thi nhằm tạo phong trào, không khí học tập cho tất cả học sinh.
Tự hào về các đồng nghiệp của mình, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Lê Nam khẳng định: Dù mỗi thầy, cô giáo ở một hoàn cảnh, cương vị khác nhau, song vượt lên tất cả, các thầy, cô luôn đặt toàn bộ tâm huyết, lương tâm, sự hiểu biết sâu sắc của mình để truyền cảm hứng, bồi đắp tri thức, lý tưởng sống, và trách nhiệm xã hội cho các thế hệ học sinh ở vùng đất học Hồng Lam.