Nhóm tiền trạm gồm các quan chức cảnh sát Kenya quyết định rời Haiti sau khi có cho mình những đánh giá cụ thể về công tác chuẩn bị trước khi lực lượng đa quốc gia được cử đến đảo quốc Caribe. Đáng lẽ ra việc cử một phần phái bộ an ninh đến Haiti đã được triển khai, song Tổng thống Kenya William Ruto thông báo, kế hoạch này bị hoãn trong ba tuần. Nguyên nhân một phần do hậu cần, thiếu xe bọc thép và trực thăng sơ tán y tế, trong khi doanh trại chưa sẵn sàng và thiết bị liên lạc vẫn chưa đủ.
Dẫn đầu phái bộ an ninh đa quốc gia được Liên hợp quốc ủy quyền cùng lời khẳng định sứ mệnh như “một lời thức tỉnh đối với nhân loại”, Kenya nhiều lần bày tỏ quyết tâm cử lực lượng hỗ trợ đẩy lùi các băng đảng tại Haiti, bất chấp sự phản đối gay gắt từ giới lập pháp đối lập trong nước. Cùng Kenya, các nước Bahamas, Bangladesh, Barbados, Belize, Benin, Jamaica, Cộng hòa Chad… cũng cam kết gửi quân tham gia phái bộ, với tổng quân số dự kiến khoảng 2.500 sĩ quan, nhằm hỗ trợ thiết lập lại trật tự tại Haiti.
Việc triển khai lực lượng hỗ trợ an ninh đa quốc gia tới Haiti được Liên hợp quốc “bật đèn xanh” hồi tháng 10 năm ngoái, với nghị quyết được Hội đồng Bảo an thông qua, được đánh giá mang tính bước ngoặt trong nỗ lực giúp Haiti duy trì an ninh trước làn sóng bạo động do các băng đảng vũ trang gây ra. Phái bộ có nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng chức năng tại đảo quốc Caribe bảo đảm an toàn cho các cơ sở hạ tầng và giao thông trọng yếu, đồng thời tạo thuận lợi triển khai hành lang viện trợ nhân đạo khi cần thiết.
Đồng thuận để triển khai lực lượng đặc biệt đa quốc gia tới Haiti, Hội đồng Bảo an quyết định hành động theo Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó cho phép sử dụng vũ lực sau khi tất cả nỗ lực khác nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế đã “kiệt quệ”. Ủy quyền cho phái bộ, cơ quan của Liên hợp quốc cũng yêu cầu thành lập quỹ nhằm phân bổ các khoản đóng góp tự nguyện cho “sứ mệnh hòa bình” tại Haiti. Cuối tháng 4 vừa qua, quỹ đã nhận được các khoản ủng hộ trị giá 18 triệu USD từ Mỹ, Pháp và Canada.
“Sứ mệnh hòa bình” được căng dây cót, trong bối cảnh Haiti tiếp tục chìm sâu vào vòng xoáy bạo lực đến mức chưa từng thấy. Tình hình càng phức tạp hơn khi làn sóng buôn lậu súng đạn trang bị cho các băng nhóm ở Haiti vẫn tiếp diễn, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí đối với đảo quốc Caribe. Tháng 3 năm nay, các băng nhóm đã hợp sức tấn công vào các đồn cảnh sát, nhà tù ở thủ đô, cũng như cơ sở giáo dục, y tế, địa điểm tôn giáo, khiến các thể chế nhà nước Haiti thêm suy yếu, nhiều thách thức thêm nghiêm trọng.
Theo Liên hợp quốc, ba tháng đầu năm nay, khoảng 2.500 người, trong đó ít nhất 82 trẻ em, đã thiệt mạng hoặc bị thương do bạo lực băng đảng tại Haiti. Hơn 400 người bị bắt cóc. Khoảng 362.000 người, một nửa trong số đó là trẻ em, buộc phải rời bỏ nhà cửa. Hàng chục nghìn trẻ em không thể đến trường.
Tình hình tại Haiti hiện được ví như bãi cát lún, đối mặt nhiều rủi ro, “sứ mệnh hòa bình” đang được cân nhắc cẩn trọng trong từng bước đi. Nhất là khi ước tính có khoảng 200 băng đảng hoạt động trên khắp Haiti. Các băng đảng cũng đang kiểm soát khoảng 80% thủ đô. Chưa kể, thông tin liên quan thỏa thuận giữa các băng nhóm về kế hoạch thành lập mặt trận thống nhất chống lại phái bộ an ninh đa quốc gia cũng làm tình hình thêm phức tạp.
Cuộc khủng hoảng toàn diện tại Haiti tiếp tục gây lo ngại tác động xấu tới an ninh khu vực. Trong lúc chờ phái bộ an ninh đa quốc gia chính thức được triển khai, Liên hợp quốc không ngừng tăng cường hỗ trợ Haiti trên nhiều mặt, từ ổn định chính trị, viện trợ nhân đạo, đến thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.