Sự kết hợp giữa thời trang và di sản

Khéo léo lồng ghép thông điệp quảng bá văn hóa, du lịch và nghề thủ công Việt Nam qua sàn diễn thời trang tại các điểm đến di sản, chuỗi sự kiện "Bước chân di sản" vừa có khởi đầu ấn tượng tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (Bát Tràng, Hà Nội). Buổi trình diễn giới thiệu tới công chúng 8 bộ sưu tập thời trang đương đại lấy cảm hứng từ gốm sứ, trống đồng, lụa, thổ cẩm...
0:00 / 0:00
0:00
Bộ sưu tập thời trang của nhà thiết kế La Phạm trong sự kiện "Bước chân di sản" .
Bộ sưu tập thời trang của nhà thiết kế La Phạm trong sự kiện "Bước chân di sản" .

"Chương trình VC Fashion Show-Bước chân di sản" mang tính phi thương mại do đạo diễn Hoàng Công Cường và người mẫu Hạ Vy sáng lập, đồng tổ chức. Dự kiến diễn ra 3 tháng/lần tại các điểm tham quan, di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam, những buổi biểu diễn thời trang sẽ đem đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước những thiết kế đẹp mắt, mang dấu ấn đặc trưng của từng địa danh.

Phó Chủ tịch HÐQT Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt Nguyễn Trung Thành cho biết: "Ðể làm được một sự kiện thời trang hòa quyện với kiến trúc của Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt không dễ. Thông thường, sàn diễn thời trang là đường thẳng hoặc chữ T nhưng với chương trình này, chúng tôi tạo đường băng cho người mẫu trình diễn theo những đường gấp khúc của trục xoay tòa nhà. Ðó là sự tôn trọng bản thể, tôn trọng di sản và tôn trọng điểm đến".

8 nhà thiết kế cũng đã tìm tòi, sáng tạo và đưa ra những ý tưởng nhằm tôn vinh không gian văn hóa Bát Tràng. Chẳng hạn như nhà thiết kế Hà Duy đóng góp bộ sưu tập "Sứ" lấy ý tưởng từ mầu men trắng sứ của làng gốm Bát Tràng. Phom váy, áo được xử lý bay bổng trên nền vải sợi tre, chất liệu bền vững và thân thiện với môi trường. Nhà thiết kế Helene Hoài thì đưa vào bộ sưu tập "Ðất Mẹ" những gam mầu của đất sét, của gạch nung, của phù sa sông Hồng - những sắc độ không thể thiếu để làm nên sản phẩm gốm Bát Tràng từ bao đời nay. Nhà thiết kế Thanh Hương Bùi mang đến bộ sưu tập áo dài "Long Phụng trình tường" cầu kỳ và rực rỡ với các chi tiết hoa văn Long-Phụng được thêu hoặc vẽ thủ công. Ðây cũng là hình ảnh thường xuyên được các nghệ nhân sử dụng trên gốm sứ Bát Tràng, thể hiện ước vọng về phồn vinh và hạnh phúc.

Thương hiệu La Phạm mang đến buổi trình diễn những thiết kế sử dụng vải thổ cẩm dệt tay, thêu tay của phụ nữ dân tộc thiểu số một số tỉnh Tây Bắc. Nỗ lực sử dụng các chất liệu bản địa để tôn vinh văn hóa và góp phần bảo vệ môi trường, La Phạm mới đây đã cùng 24 hãng thời trang châu Âu tham gia sự kiện trình diễn và trao giải thời trang bền vững lớn nhất Thụy Sĩ UN-DRESS 2022.

Mỗi nhà thiết kế, mỗi thương hiệu mang phong cách riêng nhưng đều có điểm chung là tình yêu, sự tri ân với văn hóa, nghệ thuật dân tộc, đồng thời tâm huyết hướng đến xây dựng một sân chơi thời trang bền vững, mở rộng con đường để đưa thời trang mang dấu ấn văn hóa dân tộc hội nhập và phát triển.

Giữ vai trò khép lại buổi diễn, nhà thiết kế Vũ Việt Hà mang đến bộ sưu tập áo dài "Trở về". Những chiếc áo dài may từ lụa tơ sen, thổ cẩm, lụa tơ chuối… được làm thủ công tinh xảo, tỉ mỉ, hòa hợp với không gian của Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt. Những sáng tạo dựa trên sự kết hợp của yếu tố truyền thống và hiện đại tạo nên tổng thể độc đáo, đầy tính nghệ thuật, lấy cảm hứng từ sự phát triển của gốm Bát Tràng thế kỷ 15-16 cùng áo dài Hà Nội những năm 1930.

Mỗi nhà thiết kế, mỗi thương hiệu mang phong cách riêng nhưng đều có điểm chung là tình yêu, sự tri ân với văn hóa, nghệ thuật dân tộc, đồng thời tâm huyết hướng đến xây dựng một sân chơi thời trang bền vững, mở rộng con đường để đưa thời trang mang dấu ấn văn hóa dân tộc hội nhập và phát triển.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh chia sẻ: "Ðây là cơ hội tốt để thời trang và di sản kết hợp, tạo sức lan tỏa, quảng bá, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, mà trong đó Hà Nội là một trong những thành phố tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế".

Ðạo diễn Hoàng Công Cường cho biết ý tưởng làm "Bước chân di sản" đến từ thành công và hiệu ứng tích cực trước đây của một số chương trình thời trang tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) và thác Bản Giốc (Cao Bằng). "Mỗi chương trình thời trang, mỗi chủ đề sẽ gắn với một điểm đến Việt Nam. Các nhà thiết kế sẽ lấy cảm hứng từ di sản văn hóa và vẻ đẹp địa phương. Qua đó, khi chương trình đi đến đâu thì nơi đó được khán giả đón nhận và nhiều người biết tới hơn. Trong tương lai, chương trình "Bước chân di sản" sẽ được đưa ra nước ngoài", đạo diễn Hoàng Công Cường khẳng định. Tất cả các nhà thiết kế trang phục, trang sức, phụ kiện thời trang đều có thể tham gia với điều kiện bộ sưu tập (từ 15-20 mẫu) lấy ý tưởng, cảm hứng từ các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, phù hợp với không gian điểm đến và bảo đảm thuần phong mỹ tục.

Sau Bát Tràng, "Bước chân di sản" sẽ tiếp tục thực hiện các buổi trình diễn tại các địa điểm văn hóa-du lịch nổi tiếng như Tam Chúc (Hà Nam), Mù Cang Chải (Yên Bái), Ðền Hùng (Phú Thọ), Tràng An-Bái Ðính (Ninh Bình), Sa Pa (Lào Cai), Hội An (Quảng Nam)...

Không chỉ góp thêm một "món ăn tinh thần" cho người yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp, chuỗi sự kiện này còn được kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế tiếp tục sáng tạo và tôn vinh các giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa dân tộc ■