Sử dụng hiệu quả phụ phẩm trong trồng trọt

Hằng năm, khối lượng phụ phẩm trong trồng trọt ở nước ta lên tới hàng trăm triệu tấn. Các phụ phẩm này đều chứa dinh dưỡng tốt nếu được hoàn trả nhằm cải tạo lại đất để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại phụ phẩm trồng trọt hiện nay chưa hợp lý, đây là nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng xấu đến môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
 Đưa phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn tài nguyên tái tạo có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế tuần hoàn.
Đưa phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn tài nguyên tái tạo có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế tuần hoàn.

Theo thống kê, diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 11,75 triệu ha, hệ số sử dụng đất (lúa, ngô, rau màu...) hơn 2,4 lần/năm. Những năm qua, với trình độ thâm canh cao cho nên năng suất, sản lượng một số cây trồng chính liên tục tăng, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân. Nhưng bên cạnh các sản phẩm thu hoạch chính thì phụ phẩm từ trồng trọt cũng rất lớn với khối lượng khoảng hơn 100 triệu tấn/năm, hầu hết là xác hữu cơ như: Thân, lá, vỏ hạt, lõi... trong đó, lúa từ 40 đến 50 triệu tấn, ngô 11 triệu tấn, mía 12 triệu tấn, các loại cây khác xấp xỉ 50 triệu tấn. Tuy nhiên, nguồn phụ phẩm từ trồng trọt hiện đang được sử dụng chưa hợp lý như: Đốt tại ruộng chiếm 45,9%; làm thức ăn cho gia súc, chiếm 29,0%, bỏ lại tại ruộng, chiếm 8,6%; dùng để ủ phân, chiếm 5%; sử dụng cho trồng trọt, chiếm 4,1%; còn lại 7% được sử dụng cho các mục đích khác như: Làm nấm, đệm lót chuồng cho chăn nuôi, than sinh học, chế tạo đồ thủ công mỹ nghệ...

Đáng lưu ý, việc đốt bỏ rơm rạ tại ruộng là một trong những nguyên nhân chính làm tăng hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, bình quân một triệu tấn rơm rạ bị đốt sẽ thải ra khoảng 34.000 tấn CO2, 828 tấn CO, 28 tấn CH4, 48 tấn SO2, hơn 70 tấn bụi và một số chất khác gây hại đến môi trường. Còn theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp và môi trường, với khối lượng hơn 100 triệu tấn phế phụ phẩm, nếu không quản lý và sử dụng tốt sẽ gây nên một sự lãng phí hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, lượng phế phụ phẩm này còn là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường (đất, không khí và nước) do hoạt động vùi lấp yếm khí, xả bừa bãi và đốt rơm rạ của người nông dân.

Nguyên nhân dẫn đến việc thu gom, chế biến và tái sử dụng nguồn phế phụ phẩm trồng trọt chưa hợp lý là do diện tích đất sản xuất ở một số địa phương chưa đủ lớn, ảnh hưởng đến cơ giới hóa trong thu gom; thiếu nhân công trong lao động nông nghiệp; giá rơm rạ sau thu hoạch chưa ổn định tác động không nhỏ đến việc thu gom, chế biến và sử dụng trong trồng trọt. Trong đó, tại các địa phương phía nam, vào mùa mưa hầu hết rơm rạ sau thu hoạch không thu gom chỉ đốt bỏ hoặc cày vùi. Cùng với đó, việc đa dạng hóa chế biến phụ phẩm phục vụ các mục đích khác nhau vẫn còn nhiều hạn chế (cả về kinh phí và biện pháp kỹ thuật...); việc tiêu thụ, sử dụng phân hữu cơ còn hạn chế cũng ảnh hưởng gián tiếp đến quá trình thu gom, sử dụng phế phụ phẩm trồng trọt làm phân hữu cơ trả lại chất dinh dưỡng cho đất.

Để sử dụng các loại phụ phẩm trong trồng trọt, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương và bà con nông dân cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, xanh, hướng tới nông nghiệp hữu cơ tạo điều kiện cho việc sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, giảm dần việc lạm dụng và lệ thuộc vào phân hóa học; có chính sách hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến phế phụ phẩm từ trồng trọt thành các sản phẩm hữu ích như: Than củi sinh học, phân hữu cơ, phân vi sinh; tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình tái sử dụng phế phụ phẩm trồng trọt; khuyến khích sử dụng phụ phẩm trồng trọt làm nguyên liệu để sản xuất nấm, thức ăn chăn nuôi, làm đệm lót sinh học và sản xuất phân bón...