Phụ phẩm nông nghiệp, nguồn tài nguyên tái tạo

NDO - Hiện, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp của cả nước hơn 156 triệu tấn 1 năm. Đây là nguồn tài nguyên rất lớn để tái tạo các sản phẩm có giá trị.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham quan các sản phẩm nông nghiệp xanh được trưng bày tại hội thảo quốc tế phụ phẩm nông nghiệp, nguồn tài nguyên tái tạo.
Các đại biểu tham quan các sản phẩm nông nghiệp xanh được trưng bày tại hội thảo quốc tế phụ phẩm nông nghiệp, nguồn tài nguyên tái tạo.

Ngày 28/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản sinh thái công bằng tại Việt Nam” tổ chức hội thảo quốc tế phụ phẩm nông nghiệp, nguồn tài nguyên tái tạo.

Gần 200 đại biểu là các nhà khoa học trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố phía nam, các doanh nghiệp… tham dự.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chúng ta chỉ chú trọng đến tăng năng suất, chưa quan tâm đến phân bón hữu cơ để bồi dưỡng, tăng kết cấu đất, bảo vệ đa dạng sinh học.

Nhiều cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ gây lãng phí các phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường.

Việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và gia tăng chất thải từ chăn nuôi đang đe dọa chất lượng môi trường. Trong lĩnh vực nông nghiệp, với một số lĩnh vực chủ đạo như trồng lúa, cây ăn trái, thủy sản và chăn nuôi đã phát thải ra môi trường hàng ngàn tấn chất thải hữu cơ, là nguồn tài nguyên tái tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.

Tương lai nông nghiệp Việt Nam cần phải dựa vào tri thức nhiều hơn, phát triển nông nghiệp tuần hoàn đã và đang trở thành xu hướng của các quốc gia.

Trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên từ sản xuất nông nghiệp, tương lai nông nghiệp Việt Nam cần phải dựa vào tri thức nhiều hơn, phát triển nông nghiệp tuần hoàn đã và đang trở thành xu hướng của các quốc gia.

Việt Nam đang là một quốc gia có tốc độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là tham gia vào các hiệp định thương mại, là tiền đề thúc đẩy Việt Nam tăng tốc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hướng tới nền nông nghiệp tăng trưởng xanh, hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp.

Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, là trụ đỡ của nền kinh tế giúp ổn định xã hội, nhất là trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh vừa qua.

Phụ phẩm nông nghiệp, nguồn tài nguyên tái tạo ảnh 1

Quang cảnh hội thảo.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% và phấn đấu đạt khoảng 55 tỷ USD trong năm 2022.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp cũng gây phát sinh lớn phụ phẩm, khi quản lý không phù hợp sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ. Theo thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp năm 2020 của cả nước hơn 156,8 triệu tấn.

Ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thuỷ sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo chứ không phải là chất thải. Nguồn nguyên liệu này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Nhiều đại biểu đề xuất, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm có giá trị được chế biến từ phế, phụ phẩm nông nghiệp; chính sách thu hút đầu tư đổi mới, phát triển công nghệ, nhà máy xử lý, chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Cùng với đó, thúc đẩy chính sách xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm được chế biến từ phế, phụ phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP) trong xử lý phế, phụ phẩm nông nghiệp nhằm tạo giá trị gia tăng cao, ươm mầm khởi nghiệp trong xử lý phế, phụ phẩm nông nghiệp...