Tham dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Giáo sư Phouvong Ounkhamsane, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào; Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Tiến sĩ Sonetthanou Thammavong, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội quốc gia Lào.
Hội thảo quốc tế 4 bên Việt-Lào năm 2023 đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học hai quốc gia, với 40 bài viết tập trung vào những chủ đề trọng tâm của Hội thảo.
Sau khai mạc, Hội thảo được tổ chức thành 3 phiên chuyên đề, kết hợp giữa trình bày tham luận tại Hội trường và Tọa đàm bàn tròn.
Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khai mạc Hội thảo. (Ảnh: QUỐC HỒNG) |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá những nội dung chủ yếu về huy động vốn, sử dụng công nghệ và kinh nghiệm, bài học về huy động vốn và sử dụng công nghệ bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và Lào.
Vốn được xác định là nguồn lực quan trọng nhất đối với phát triển nhanh và bền vững. Nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của vốn, ngay từ những ngày đầu đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh đến việc huy động và phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn của nền kinh tế.
Sau gần 4 thập niên của thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã không ngừng điều chỉnh thể chế quản lý kinh tế để huy động và sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn của đất nước.
Tuy nhiên, với những diễn biến mới nhanh và khó lường của một thế giới đang thay đổi, cả Việt Nam và Lào cần đổi mới phương thức huy động và sử dụng vốn để có thể duy trì đà phát triển nhanh và bền vững.
Công nghệ được xác định là động lực quyết định của phát triển nhanh và bền vững đối với Việt Nam và Lào.
Cả hai quốc gia đi lên từ nền tảng của kỹ thuật lạc hậu nhưng điều đó đang dần được thay đổi. Những công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và người dân ở Việt Nam và Lào đang được ứng dụng đem lại nhiều lợi ích cho người dân.
Quan trọng hơn, đóng góp của ứng dụng công nghệ tới phát triển nhanh và bền vững đang không ngừng gia tăng tại Việt Nam và Lào. Với những thay đổi rất nhanh của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam và Lào sẽ phải thực hiện nhiều biện pháp đột phá để có thể tiếp cận và tiến đến làm chủ những công nghệ tiên tiến này.
Phó Giáo sư Phouvong Ounkhamsane, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: QUỐC HỒNG) |
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, để huy động và thu hút vốn đầu tư, cần thường xuyên, liên tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy phép con để tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, giảm các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
"Phát triển thị trường tài chính để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn phục vụ đầu tư sản xuất, kinh doanh. Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại để nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn từ thị trường tài chính và cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Toàn nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Daosavanh Khuemyxay, Phó Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, đối với việc phân bổ vốn cho các dự án đầu tư của Nhà nước, phải phân bổ có trọng tâm, tránh phân bổ bình quân để tập trung vốn cho dự án nhanh hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Xem xét các dự án nợ và dự án được ưu tiên tiếp tục thực hiện trước tiên bằng cách giữ cho ngân sách phải tăng lên 10-20% so năm trước.
Các đại biểu và nhà khoa học tham gia Hội thảo. (Ảnh: QUỐC HỒNG) |
Để sử dụng vốn hiệu quả, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút vốn đầu tư vào sản xuất. Đẩy mạnh cơ cấu lại thị trường tài chính với cả 3 bộ phận là hệ thống ngân hàng thương mại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.
Tiếp tục rà soát hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm vừa chặt chẽ nhưng lại linh hoạt, giải quyết các vướng mắc về thủ tục gây khó khăn cho việc triển khai các dự án đầu tư công.
Về công nghệ, các đại biểu cho rằng, ưu tiên các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch và thân thiện với môi trường.
Chính sách thu hút FDI cần gắn với yêu cầu phát triển và hiệu quả kinh tế xã hội, chú trọng và ưu đãi các dự án sử dụng và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ mới tiên tiến.
Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào góp phần quan trọng củng cố quan hệ hai nước Việt Nam-Lào
Trong chiến lược thu hút FDI, hai quốc gia là Việt Nam và Lào cần xác lập thực thi chính sách dựa trên quan điểm thiết lập quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi, do đó các yêu cầu về sử dụng công nghệ và chuyển giao công nghệ, yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các dự án FDI cần xuất phát từ lợi ích của doanh nghiệp FDI và được kết hợp hài hoài với mục tiêu phát triển và lợi thế của Việt Nam.
Xây dựng hoặc hình thành các Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong việc mua bán và sáp nhập các công ty nước ngoài, nhằm nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới và tiếp cận các chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu.
Các đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: QUỐC HỒNG) |
Tại Hội thảo, các đại biểu tọa đàm bàn tròn về kinh nghiệm sử dụng vốn và công nghệ trong phát triển kinh tế-xã hội của các nước như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore...
Kết thúc Hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, Việt Nam và Lào tiếp tục tăng cường hợp tác đầu tư, cường trao đổi các bài học kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô giữa hai nước, nhất là trong việc hoạch định và thực thi chính sách kinh tế của mỗi nước. Tiếp tục triển khai Thỏa thuận hợp tác đa phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2021-2025.