Trước mối lo ngại ngày càng tăng về việc công nghệ AI có thể chiếm lấy công việc của con người, các chuyên gia cho rằng điều đó không đơn giản như vậy.
Thay thế hay tạo thêm việc làm?
Liệu AI có thay thế một số công việc hay không? Câu trả lời là “có”. Theo Steven Miller - Giáo sư danh dự bộ môn Hệ thống thông tin tại Đại học Quản lý Singapore (SMU), sự phát triển của AI đồng nghĩa công nghệ ngày càng có thể đạt được nhiều thành tựu hơn và điều đó tất nhiên sẽ tác động đến việc làm.
Ông cho rằng, với sự hỗ trợ của AI, máy móc, hệ thống phần mềm và sự kết hợp giữa phần cứng-phần mềm sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Do đó, các ứng dụng AI hoàn toàn có khả năng thay thế phần lớn công việc của con người một cách hiệu quả và tiết kiệm hơn.
Giáo sư cho biết thêm, có những vị trí rủi ro hơn, nhất là những công việc có tính lặp lại cao hoặc dựa trên các hướng dẫn, quy định cụ thể. Ngược lại, những công việc thường xuyên thay đổi, yêu cầu khả năng thích ứng và linh hoạt thì sẽ khó bị công nghệ thay thế hơn.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Dimitris Papanikloaou - Giáo sư tài chính tại Trường Quản lý Kellogg thuộc Đại học Northwestern (Mỹ) cho rằng, những công việc đòi hỏi yếu tố con người mạnh mẽ - chẳng hạn như bác sĩ trị liệu - đặc biệt khó bị “truất ngôi”.
“Rất khó để một ứng dụng AI thay thế con người trong những công việc yêu cầu cao về kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân” - Giáo sư Papanikloaou nhấn mạnh.
Những công việc mới?
Theo ông Steve Chase, trưởng nhóm tư vấn tại KPMG Mỹ, mối quan ngại nêu trên hoàn toàn có thể hiểu được, bởi với hầu hết các tiến bộ công nghệ, nỗi sợ hãi ban đầu của người làm công ăn lương về nguy cơ mất việc làm và bị thay thế là không tránh khỏi.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng điều quan trọng là phải ghi nhớ một số điểm như sau: Trước hết, đây không phải lần đầu những tiến bộ công nghệ tác động đến việc làm.
Chẳng hạn, sự phổ biến của máy tính hoặc máy móc hiện đại đã thay đổi phương thức làm việc cũng như loại hình công việc của công nhân trong các nhà máy. Mặc dù thay thế con người ở một số vị trí, song chúng lại trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống ngày nay. Đó là quy trình đã diễn ra hàng thế kỷ.
Cũng theo chuyên gia tư vấn của KPMG Mỹ, lịch sử đã chỉ ra, khi việc làm này bị mất đi vì công nghệ, sẽ có việc làm mới ra đời. “Giá trị của những việc làm mới cũng như các loại dịch vụ, hàng hóa mới vượt xa những việc làm bị thay thế” - ông đánh giá.
Hợp tác cùng AI thay vì ngăn cản
Giáo sư Dimitris Papanikloaou cho rằng, AI và các công nghệ, sản phẩm dựa trên nó vẫn còn hạn chế ở một số khía cạnh nhất định.
Ông nhận định, ở thời điểm hiện tại, chúng ta còn cách rất xa cái gọi là “AI thực thụ”. Phần lớn những gì AI đang làm là tổng hợp kiến thức hiện có với mục tiêu cụ thể, chưa tạo ra kiến thức mới.
Do đó, con người làm việc cùng AI thay vì bị nó thay thế là một kịch bản có nhiều khả năng xảy ra hơn ở giai đoạn hiện nay. So với việc sử dụng AI để tự động hóa toàn bộ công việc của con người, chúng ta đang có nhiều cơ hội hơn trong việc sử dụng công nghệ này để nâng cao hiệu quả làm việc của con người.
Có chung quan điểm, chuyên gia tư vấn Steve Chase cho biết nhiều doanh nghiệp đang sử dụng AI để nâng cao hiệu suất lao động cũng như hỗ trợ nhân viên.
“Lãnh đạo các công ty đang sử dụng AI để tăng cường hiệu quả vật chất cho doanh nghiệp và giúp các nhân viên làm việc hiệu quả hơn. Tận dụng ưu thế của AI cho phép các tổ chức cơ cấu lại các vị trí theo hướng giảm thiểu thời gian dành cho các nhiệm vụ lặp đi lặp lại và tối đa hóa việc ra quyết định chiến lược” - ông nói.
Để làm được điều đó, các công ty cần phải thích ứng. Theo chuyên gia của KPMG Mỹ, quá trình thích ứng này bao gồm đào tạo nhân viên, hỗ trợ họ thêm thuần thục và cải thiện kỹ năng, cùng với đó là tạo ra các khuôn khổ để sử dụng AI một cách có trách nhiệm.
Vì vậy, các thuật toán AI và công nghệ dựa trên AI có thể sẽ không thay thế việc làm của con người, mà sẽ đóng vai trò ngày một lớn trong công việc hằng ngày, không sớm thì muộn.