Ủy ban Các dịch vụ công của Sri Lanka (PUCSL) cho biết, CEB đã bị thiệt hại 65 tỷ rupee (185 triệu USD) trong quý I/2022 và đang tìm cách tăng 835% giá điện.
Hiện nay, tất cả người dân Sri Lanka sử dụng dưới 30 kilowatt điện/tháng sẽ phải trả mức phí chung là 54,27 rupee (0,15 USD). CEB đang lên kế hoạch nâng mức phí này lên 507,65 rupee (1,44 USD).
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Colombo, Chủ tịch PUCSL Janaka Ratnayake nhấn mạnh, do phần lớn người tiêu dùng trong nước không thể thích ứng được với quyết định tăng mạnh giá điện này, nên PUCSL sẽ đề xuất hỗ trợ trực tiếp từ Bộ Tài chính để giảm hơn 50% mức tăng so với yêu cầu.
Dù chưa đưa ra mức tăng cụ thể, song giá điện nhiều khả năng sẽ tăng khoảng 43-61% đối với các khách hàng sử dụng điện vì mục đích thương mại và công nghiệp.
CEB cũng sẽ được phép tính phí bằng USD đối với người dùng có thu nhập bằng ngoại tệ, chẳng hạn như các nhà xuất khẩu, để hỗ trợ tài chính cho việc nhập khẩu dầu mỏ và phụ tùng.
Cách đây 4 tháng, Chính phủ Sri Lanka đã áp dụng lệnh cắt điện trong 13 giờ/ngày và giờ đã giảm xuống 4 giờ/ngày, sau khi các trận mưa giúp tăng lượng nước tại các hồ thủy điện.
Trong 6 tháng qua, Chính phủ Sri Lanka đã tăng gấp 4 lần giá dầu diesel và gấp đôi giá xăng. Tuy nhiên, hiện nước này gần như không có cả 2 nguyên liệu quan trọng này. Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka cũng chưa nắm được khi nào lô hàng mới sẽ về.
Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka xác nhận, 1 phái đoàn của Bộ Tài chính và Ngoại giao Mỹ đã có cuộc thảo luận với Thủ tướng Ranil Wickremesinghe. Phía Mỹ đã nhất trí cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho quản lý tài chính tại Sri Lanka.
Quốc đảo Nam Á này đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi giành độc lập cách đây 74 năm.
Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã xảy ra trong những tuần gần đây khi nước này rơi vào tình trạng thiếu lương thực, giá nhiên liệu tăng vọt và cắt điện trên diện rộng.
Các quan chức Sri Lanka đang đàm phán với phái đoàn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về gói cứu trợ 3 tỷ USD cho quốc gia Nam Á này.
Trước đó, tháng 4 vừa qua, Chính phủ Sri Lanka đã quyết định đình chỉ việc trả một số trong khoản nợ công 51 tỷ USD trong khi chờ 1 chương trình tái cơ cấu nợ được IMF "bật đèn xanh".