Trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Sốt xuất huyết Dengue và những hiểu nhầm tai hại về cơ chế gây sốc của bệnh

NDO - Là lao động chính trong nhà, chỉ trong cơn sốt đầu tiên của sốt xuất huyết Dengue, anh Đ.V.B đã đổ gục, không thể gượng dậy. Sau 4 ngày sốt, đêm 16/9, tiểu cầu anh tụt xuống 5g/l, choáng mất máu, xuất huyết ngoài da, xuất huyết tiêu hóa. “Chưa bao giờ tôi rơi vào cảm giác choáng váng, vật vã như vậy”, anh B nói.

CƠN BÃO CỦA SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE

Anh Đ.V.B (43 tuổi, Mê Linh, Hà Nội) là một trong số 9 ca mắc sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Những cơn sốt đã hạ, cơn choáng đã qua, nhưng toàn bộ cơ thể anh bị xuất huyết ngoài da, bầm tím. Chỉ số tiểu cầu đang hồi phục dần.

5 ngày trước, sau khi đi làm về, anh B. bắt đầu rơi vào cơn sốt. Cơn sốt cao khiến anh đổ gục, nằm bẹp trên giường. Gia đình đưa anh vào Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc), được tư vấn về nhà theo dõi, 2 ngày sau khám lại. 2 ngày sau, anh thấy cơn sốt giảm nên bỏ qua làm xét nghiệm máu và tái khám. Sang ngày thứ 3, cơn sốt trở lại, cơ thể mệt mỏi hơn, có xuất huyết tiêu hóa, chảy máu chân răng.

Tại Bệnh viện Đa khoa Mê Linh (Hà Nội), các chỉ số cảnh báo anh bị sốt xuất huyết Dengue nặng, anh được đưa lên tuyến trên là Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội). Nhưng lúc này, bệnh viện không còn tiểu cầu để truyền, anh lại được đưa cấp cứu đến Bệnh viện Bạch Mai.

Chỉ sau 1 chiều nhập viện, tới tối, anh Bằng rơi vào tình trạng nguy kịch vì chảy máu nhiều nơi, xuất huyết tiêu hóa, tiểu cầu tụt thấp xuống dưới 5 g/l. Bệnh viện kích hoạt báo động đỏ cấp cứu. “Lúc ấy tôi hoang mang vô cùng. Người khỏe mạnh, chẳng bao giờ ốm đau mà sốt xuất huyết quật cho đến ngấy ngán, mệt mỏi, chân tay buồn bã, bứt rứt. Cơn tức ngực khiến cơ thể kiệt sức, hụt hơi, cảm giác như mình mắc bệnh trọng. Sợ hãi lắm”, anh B. kể lại.

Chị gái anh B., thay cho vợ anh chăm sóc 2 ngày qua kể, hiện con gái anh cũng đang sốt nằm tại Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên. “Con cũng có thể mắc sốt xuất huyết nhưng gia đình vẫn giấu B”, chị gái anh nói.

Sốt xuất huyết Dengue và những hiểu nhầm tai hại về cơ chế gây sốc của bệnh ảnh 1

Cơ thể bầm tím của anh Bằng sau trận sốt xuất huyết.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới vỗ vai động viên anh Bằng: “Anh qua giai đoạn nguy kịch rồi. Rất may anh vào viện kịp thời truyền tiểu cầu và điều trị. Giờ chỉ chờ cơ thể hồi phục trở lại”.

Trường hợp này nếu tới muộn hơn nữa có thể bị giảm thể tích, thoát dịch dẫn tới cô đặc máu đi vào sốc, nguy cơ rối loạn đông máu, suy đa tạng, tử vong rất cao. Sốc của sốt xuất huyết Dengue sẽ khó điều trị hơn giảm tiểu cầu.

Anh B. là bệnh nhân nặng có dấu hiệu cảnh báo, đã qua giai đoạn nguy hiểm khi sang ngày thứ 6 nằm viện và đang hồi phục dần. 5 ngày sốt, trải qua 4 bệnh viện, đối với một người khỏe mạnh như anh B. thật sự là một nỗi ám ảnh.

Nằm viện 3 ngày, sản phụ Đ.T.H (30 tuổi, tại Ngọc Lâm, Long Biên) đang mang thai ở tuần 36 đầy lo âu. Ban đầu, chị chỉ có biểu hiện sốt, nghĩ cảm sốt do họng thông thường, nhưng khi khám định kỳ thai sản, chị H. được các bác sĩ tại Bệnh viện Thu Cúc chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue, tiểu cầu đang hạ.

Bác sĩ chuyển tôi lên Bệnh viện Bạch Mai. Lúc đó, sản phụ cũng nghĩ chỉ là cơn sốt thông thường như mọi lần. Nhưng khi những cơn sốt xuất huyết dồn dập tới, sốt cao, cơ thể mệt mỏi, tim thai đập nhanh, nước ối cạn làm sản phụ vô cùng lo lắng khi có khả năng mình sẽ sinh non.

“Tôi sợ sinh non vì đang giai đoạn tụt tiểu cầu, sinh bây giờ nguy hiểm cả mẹ và con. Sáng nay chỉ số tiểu cầu của tôi là 106g/l, nhưng mới là ngày đầu tiên tụt tiểu cầu. Bác sĩ nói giai đoạn này còn diễn biến vài ngày tới nên cần chú ý cơ thể xem có diễn biến bất thường như chảy máu chân răng, xuất huyết… Hy vọng vài ngày nữa tiểu cầu tăng trở lại, tôi sẽ qua giai đoạn lo lắng. Lúc sốt này còn mệt hơn lúc nghén”, sản phụ H. cho hay.

Bác sĩ Cường cho hay, với phụ nữ mang thai, tùy từng tuổi mà bác sĩ có cách xử trí, theo dõi khác nhau. Tuy nhiên đa số phụ nữ mang thai khi bị sốt xuất huyết không ảnh hưởng khả năng phát triển thai cũng như sợ sinh con bị dị dạng hay tai biến.

“Nếu sản phụ sốt cao quá tháng đầu dẫn tới việc sẩy thai. Ở tháng cuối, các sản phụ lưu ý nếu chuyển dạ sinh sớm thì phải truyền tiểu cầu hoặc dễ rối loạn đông máu trong đẻ. Trường hợp này cần theo dõi và điều trị tại cơ sở đa khoa có sản khoa sẽ hội chẩn thường xuyên, kịp thời”, bác sĩ Cường nói.

Sốt xuất huyết Dengue và những hiểu nhầm tai hại về cơ chế gây sốc của bệnh ảnh 2

Sản phụ H. được khám, xét nghiệm thường xuyên.

Số bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nằm tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tăng nhanh trong thời gian gần đây, lên tới hàng trăm ca khám mỗi ngày. Trung bình, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 15-20 ca nặng có dấu hiệu cảnh báo nhập viện. Khoảng 1/3 ca nằm viện có biểu hiện nặng nề.

SỐT XUẤT HUYẾT DIỄN BIẾN BẤT THƯỜNG

Hà Nội ghi nhận 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đều đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai dốc sức cứu chữa nhưng không qua khỏi. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, 3 trường hợp tử vong chủ yếu do đến muộn, bệnh nhân có biểu hiện cảnh báo nặng như sốc, suy giảm thể tích máu cô đặc, suy đa phủ tạng.

Theo bác sĩ Cường, có mấy điểm người dân cần lưu ý của mùa dịch sốt xuất huyết năm nay. Thứ nhất, sốt xuất huyết đến sớm hơn so với mọi năm và đang vào đỉnh dịch. “Dự kiến, tháng 10-11 tới, số ca nhiễm còn tăng hơn nữa. Năm ngoái, chúng ta trải qua vụ dịch và năm nay kế tiếp lại xảy ra dịch lớn ở phía bắc là điều bất thường. Chúng ta cần phải chuẩn bị ứng phó trong trường hợp dịch tăng và lan rộng”, bác sĩ Cường cảnh báo.

Sốt xuất huyết Dengue và những hiểu nhầm tai hại về cơ chế gây sốc của bệnh ảnh 3

Bác sĩ Cường khám cho anh B.

Theo chuyên gia này, sốt xuất huyết có 4 tuýp và đặc điểm virus của năm 2023 không khác gì mọi năm. Tại bệnh viện, ghi nhận hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết ở những đối tượng thanh niên trẻ tuổi, nhưng cũng có nhiều người cao tuổi đến 93 đang nằm viện.

“Sốt xuất huyết năm nay chủ yếu ghi nhận người dân mắc tuýp 2, không có động lực hay đột biến sinh bệnh học virus. Tuy nhiên, 2 năm liền có vụ dịch sốt xuất huyết lớn thì chúng ta cần phải nghiên cứu thêm”, bác sĩ Cường nói.

Đặc biệt, đa số người khỏe mạnh bình thường năm nay mắc sốt xuất huyết nhưng diễn biến rất nhanh. Các trường hợp tử vong đa số ở người trẻ do bệnh nhân đi khám tại một số cơ sở y tế nhưng có thể được cho về nhà theo dõi nhưng không theo dõi sát sao, khi đến viện đã muộn, một số triệu chứng diễn biến nhanh.

Bác sĩ Cường lưu ý, thông thường, trong ngày 1-3 của bệnh sẽ có biểu hiện sốt, nhưng giai đoạn nguy hiểm lại rơi vào ngày 4-7 nên người bệnh phải lưu ý có dấu hiệu cảnh báo sốt cao, đau bụng vùng gan, nôn, chảy máu chân răng, rong kinh, rong huyết, tụt huyết áp, chân tay lạnh, không ăn uống được.

Các bác sĩ khi khám người bệnh mắc sốt xuất huyết cần cần phát hiện sớm dấu hiệu nặng để chuyển tuyến, điều trị kịp thời vì sốc diễn biến nhanh, khó lường. Đa số ca nặng không chảy máu nhiều mà chủ yếu đi vào sốc.

NHỮNG CẢNH BÁO KHÔNG THỪA

Bộ Y tế đã có hướng dẫn mới nhất về chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue. Bác sĩ Cường đặc biệt nhấn mạnh, có 2 cơ chế trong sốt xuất huyết. Một là giảm tiểu cầu chảy máu. Nhưng cơ chế thứ 2 ít người biết và khó phát hiện đó chính là tình trạng thoát huyết tương ra khỏi lồng ngực dẫn đến hiện tượng cô đặc máu, tụt huyết áp đi vào sốc.

“Hai cơ chế này không đi đôi với nhau. Có một số trường hợp sốc nhưng chưa hạ tiểu cầu mà chỉ chăm chăm thấy tiểu cầu hạ và lo lắng chảy máu. Nhưng cơ thể thoát huyết tương gây sốc khó chữa, khó theo dõi và điều trị khó khăn hơn rất nhiều. Vì thế nhiều người không thấy xuất huyết nhưng rất có thể lúc này cơ thể bị cô đặc máu. Lúc này, người bệnh sẽ được chỉ định dùng dung dịch cao phân tử hoặc truyền dịch chống sốc rất khó khăn, tỷ lệ tử vong cao”, bác sĩ Cường cảnh báo.

Các trường hợp vào viện nặng, tử vong do sốt xuất huyết chủ yếu rơi vào cơ chế sốc.

Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh. Vì thế, người dân cần phải chú ý theo dõi sức khỏe khi có sốt, làm xét nghiệm hằng ngày xem chỉ số công thức máu.

Những trường hợp nhẹ điều trị tại nhà sau 5-7 ngày hết sốt, sẽ hồi phục sau 1-2 tuần. Những trường hợp có biểu hiện nặng, khoảng 5-10% ca bệnh có biểu hiện sốc phải điều trị kịp thời để hạn chế tử vong. “Việc người bệnh có cơ địa bình thường mắc sốt xuất huyết mà trong 5-7 ngày diễn biến thành sốc, tử vong rất khó chấp nhận”, bác sĩ Cường bày tỏ.

Chuyên gia này cũng lưu ý việc người dân truyền dịch tại nhà. Bệnh viện đã từng tiếp nhận ca bệnh nặng lên do đến muộn, suy đa tạng hoặc sốc do giảm thể tích, sốc do mất máu, sốc do truyền tiểu cầu.

Sốt xuất huyết Dengue và những hiểu nhầm tai hại về cơ chế gây sốc của bệnh ảnh 4

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường xem hồ sơ bệnh án người bệnh.

Do đó, việc truyền dịch cần được thực hiện tại cơ sở y tế vì nếu chỉ số hemoglobin giảm, người bệnh cần được truyền dung dịch cao phân tử để kéo nước vào trong lòng mạch chứ không truyền dung dịch thường vì sẽ sốc hoặc bệnh nặng thêm do truyền dịch.

“Giai đoạn nào truyền dung dịch cao phân tử, giai đoạn nào truyền tiểu cầu, máu phải hết sức lưu ý. Nhân viên y tế phải cập nhật, điều trị sốt xuất huyết tại cơ sở chuyên khoa theo đúng hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế”, bác sĩ Cường khuyến cáo.

Các tỉnh phía bắc ghi nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết, Hà Nội cũng phát hiện hơn 72 ổ dịch với số ca nhiễm tăng mạnh trong một vài tuần gần đây. Thời tiết diễn biến bất thường, mưa nhiều, là mùa sinh viên nhập trường… nên nguy cơ sốt xuất huyết sẽ lan rộng. Do đó, bệnh nhân có cơ địa đặc biệt có bệnh nền như bệnh phổi, thận, ung thư hoặc phụ nữ mang thai phải theo dõi đặc biệt khi mắc bệnh.

back to top