Ông P.V.H. (62 tuổi) bị tiểu đường 10 năm, trong lần ngã xe, mu bàn chân trái của ông có 2 vết xước to bằng hạt đậu phộng. Sau vài ngày, vết thương rỉ dịch, đau nhức.
Sợ bị cắt cụt chân, ông H. được người quen giới thiệu đến các địa điểm chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian, truyền miệng. Chỉ trong 5 tuần, ông đi tới lần lượt các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh để đắp lá cây, đắp bột thuốc, thuốc uống, thuốc bôi… nhưng vết thương vẫn không lành, tình trạng lở loét lan rộng, sâu hơn, hoại tử, có mùi hôi, đen như hắc ín. Ông H. thường xuyên bị mất ngủ, ăn không ngon miệng, sụt 2kg.
Đầu tháng 7, ông H. được đưa vào Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cấp cứu do đau chân dữ dội, sốt cao liên tục nhiều ngày và bắt đầu rơi vào mê man. Bác sĩ cho biết ông bị nhiễm trùng nặng, nếu không điều trị sớm có nguy cơ hoại tử nặng hơn dẫn tới đoạn chi (cắt bỏ chân do biến chứng bệnh tiểu đường).
Cũng có tiền sử bệnh tiểu đường nhiều năm, khi bị nổi nhọt ở bắp chân, bà P.H.L. (62 tuổi) tự dùng lá cây, nhai và đắp lên nhọt. Hơn 1 tuần, nhọt không đỡ mà ngày càng to ra. Bà L. nhờ người quen dùng kim chích nhọt xì mủ và mua thuốc bột màu đen từ người quen trong vùng về bôi.
Mụn nhọt nhỏ bằng hạt bắp, dần sưng to bằng chén cơm, da xung quanh đen dần. Bà L. thường xuyên mất ngủ do đau nhức. Khi đến viện, tình trạng của bà khá nặng.
Tiến sĩ bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Trưởng khoa Nội tiết-Đái tháo đường, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, cho biết sau 2 tuần chăm sóc tích cực, loại bỏ các mô hoại tử, kiểm soát đường huyết, điều trị kháng sinh cao liều, chăm sóc vết thương hàng ngày, đặt máy hút áp lực âm (V.A.C) để giúp vết thương mau lành thì cả ông H. và bà L. đã giữ lại được bàn chân nguyên vẹn, thoát khỏi tàn phế.
Bác sĩ Hoàng cho biết các phương pháp điều trị dân gian như: đắp lá cây, thuốc tán từ lá hay vỏ cây, uống lá cây… đều có tác dụng nhất định nhưng cần y học nghiên cứu thêm để chỉ rõ bộ phận nào của cây thuốc, hàm lượng ra sao, cách sử dụng thế nào mới an toàn. Riêng với các biện pháp dùng kim chích lấy mủ rất nguy hiểm với người bệnh tiểu đường.
Không chỉ vậy, người bệnh tiểu đường kèm theo các yếu tố như: đường huyết cao, biến chứng mạch máu, thần kinh, lão hóa da… nên dễ nhiễm trùng và lâu lành hơn người không mắc bệnh. Các phương pháp điều trị dân gian cần cẩn thận, vì hiệu quả không rõ ràng, tính an toàn thấp khi sử dụng. Người bệnh nên đến bệnh viện kịp thời, điều trị hợp lý, khoa học với phương pháp tiến bộ.
Bác sĩ Hoàng cho biết, mỗi người bệnh tiểu đường có một tình trạng riêng về sức khỏe. Do đó, phác đồ điều trị cho từng người bệnh cần cá thể hóa.
Với người bệnh tiểu đường, ngoài điều trị bệnh thì việc chăm sóc bàn chân, phòng ngừa biến chứng bàn chân cũng nằm trong kế hoạch điều trị toàn diện. Người bệnh được chỉ định khám tầm soát biến chứng bàn chân ít nhất 1 lần/năm để phát hiện sớm và giải quyết các tình trạng như: xơ vữa và tắc mạch máu, bệnh thần kinh ngoại biên tiểu đường, móng dày sừng, móng quặp, chai chân…