"Sốc" khi phát hiện mắc tiểu đường ở tuổi còn trẻ
Nguyễn N.N (21 tuổi, Hà Nội) sốc nặng khi phát hiện bị tiểu đường. Từ nhỏ, cô có thói quen thích ăn kẹo, uống nước ngọt. Thấy cơ thể mình cũng chỉ bụ bẫm hơn so với các bạn, nhiều lúc mệt vì học căng thẳng, N. cứ vô tư ăn uống mà không nghĩ tới việc lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Cho tới khi thấy cơ thể mệt mỏi, khát nước, N. đi khám sức khỏe mới phát hiện mắc tiền tiểu đường. "Nếu không kiêng khem, bệnh tiểu đường sẽ rất khó kiểm soát. Bây giờ nhìn đồ chiên rán và nước ngọt là tôi thấy sợ", N. kể lại.
Sốc nặng khi nghe tin mắc tiểu đường type 2 khi mới 27 tuổi, Hoàng H.A không thể tin trẻ như mình bị căn bệnh này tấn công. Là con một, nên H.A rất được gia đình chăm sóc, chiều chuộng với bất kỳ món ăn gì mà cậu thích. Thừa cân từ bé dẫn tới hệ lụy ở tuổi 27, cậu nặng tới 97kg. Thích ăn đồ ăn nhanh, lười tập thể dục khiến H.A càng khó kiểm soát cân nặng của mình.
Khi phát hiện đi tiểu nhiều lần trong ngày, phát ban khắp người, cũng là lúc em được các bác sĩ phát hiện em có chỉ số đường huyết cao phải nhập viện. Khi được bác sĩ chẩn đoán mắc đái tháo đường, H.A rất sốc.
Những ngày nằm viện, nhìn thấy nhiều bệnh nhân tiểu đường biến chứng, H.A mang một nỗi sợ vô hình. "Bác sĩ có chia sẻ em còn trẻ thì cơ thể còn tái tạo nên phải rèn luyện và tuân thủ điều trị", H.A tâm sự. Sau gần một tháng điều trị, bệnh nhân đã giảm về mốc 88kg.
Hôn mê, nhiễm ceton trong máu vì mắc tiểu đường type 1
Mới đây nhất, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cũng tiếp nhận cấp cứu trường hợp nữ sinh 15 tuổi bị hôn mê vì mắc tiểu đường. Bệnh nhân P.H.T. (15 tuổi, Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) trước khi nhập viện có biểu hiện ho, sốt, khát nước và tiểu nhiều.
Bệnh nhân nghĩ cảm thông thường, truyền dịch, uống thuốc hạ sốt và bù nước bằng nước ngọt, nước điện giải. Sau vài ngày, bệnh nhân bắt đầu nôn ói, rơi vào hôn mê và nhập viện cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trúc khám cho nữ sinh. |
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Duy Khương, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho hay, bệnh nhân bị viêm hô hấp, nhiễm toan ceton, tiểu đường type 1 với chỉ số HbA1c (đường huyết trung bình trong 3 tháng) cao gần gấp 3 so với bình thường, ceton trong máu cao gấp 137 lần. May mắn, em chưa xuất hiện các biến chứng của toan ceton như suy thận, suy gan,…
Sau 3 ngày điều trị tích cực với insulin truyền tĩnh mạch và bù dịch, em T. đã tỉnh táo hoàn toàn. Em được tư vấn về tình hình bệnh, các phương pháp điều trị cũng như cách theo dõi đường huyết trước xuất viện.
Tiểu đường type 1 khó phát hiện hơn type 2
Bác sĩ Lâm Mỹ Hạnh, Phó khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay, đái tháo đường type 2 trước đây thường được biết đến là căn bệnh hay gặp ở người lớn tuổi.
Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của xã hội, tỷ lệ mắc đái tháo đường type 2 ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi mắc đái tháo đường chiếm khoảng từ 20-30% trong tổng số các bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện.
Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh đái tháo đường type 2 ở người trẻ thường là: Có thể trạng thừa cân, béo phì; có yếu tố gia đình, có thành viên trong nhà như bố, mẹ, anh em mắc đái tháo đường; có lối sống tĩnh tại, lười vận động và ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo, giàu năng lượng.
Đối với nữ giới trẻ tuổi, nếu mắc hội chứng buồng trứng đa nang có thể gây ra tình trạng kháng insulin, tăng nguy cơ mắc đái tháo đường.
Theo bác sĩ Hạnh, ăn uống thiếu tiết chế dẫn tới thừa cân béo phì và lối sống tĩnh tại là 2 yếu tố nguy cơ khiến cho người trẻ tiến gần đến căn bệnh đái tháo đường.
Theo bác sĩ Hạnh, các triệu chứng điển hình khi mắc đái tháo đường gồm: Khát nước nhiều; tiểu nhiều; sút cân nhiều; vết thương lâu liền; mệt mỏi; tê bì tay chân cảm giác như kiến bò; kim châm; nhìn mờ.
Đối với trường hợp P.H.T, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trúc, khoa Nội tiết-Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, tiểu đường type 1 thường phát hiện lần đầu khi bệnh nhân rơi vào bệnh cảnh nhiễm toan ceton, tương tự như tình trạng lúc nhập viện của em T.
Khác với tiểu đường type 2 (thiếu insulin tương đối), tiểu đường type 1 là tình trạng thiếu insulin tuyệt đối vì tụy (nơi sản xuất insulin) bị phá hủy phần lớn. Điều này khiến cơ thể rơi vào trạng thái nhiễm toan ceton vì rối loạn chuyển hóa do đường máu quá cao. Nếu không điều trị kịp thời dẫn đến hôn mê, suy đa tạng và tử vong.
"Tiểu đường type một là bệnh tự miễn mạn tính, tức cơ thể tự sinh ra những kháng thể “chống lại” chính cơ quan bên trong của bệnh nhân, cụ thể ở đây là tụy. Việc phá hủy này có thể xảy ra trong nhiều tháng hoặc nhiều năm đến khi tuyến tụy không thể sản xuất ra insulin nữa dẫn đến thiếu hụt hoàn toàn insulin, không thể cân bằng đường trong máu khiến đường huyết tăng cao.
Do đó, điều trị tiểu đường type 1 bắt buộc phải cần tiêm insulin. Cả trẻ em và người lớn đều có thể bị tiểu đường type 1. Tuy nhiên, bệnh gặp nhiều hơn ở trẻ dưới 20 tuổi", bác sĩ Trúc nói.
Bệnh thường diễn tiến vài tháng đến vài năm trước khi các triệu chứng đầu tiên được chú ý. Các triệu chứng chuyển hóa điển hình là “4 nhiều” bao gồm: tiểu nhiều, khát nhiều, ăn nhiều và sụt cân.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng khác như mệt mỏi, mờ mắt, thường xuyên bị nhiễm trùng da, nhiễm trùng tiểu hoặc âm đạo, đái dầm xuất hiện ở trẻ trước đó không bị đái dầm,…
Các dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng hơn ở người bệnh đái tháo đường tuýp 1 bao gồm: bứt rứt, lú lẫn, thở nhanh sâu (nhịp thở Kussmaul), hơi thở có mùi trái cây (mùi táo chín…), đau bụng, hôn mê. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây hệ quả nghiêm trọng.
Do đó, bác sĩ Trúc khuyến cáo mọi người không chủ quan coi tiểu đường là bệnh của người già mà cần phát hiện sớm triệu chứng để đi khám, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng của tiểu đường.