Không ăn kiêng, không tập thể dục, chị N.T.M. (44 tuổi) tự dưng sút cân, giảm từ 52kg xuống 42kg không rõ lý do. Chị nhìn trong gương thấy người thon gọn nhưng mặt tái nhợt, không khỏe. Đến khi chị rơi vào mê man và được đưa vào viện cấp cứu.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh, khoa Nội tiết-Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, cho biết kết quả đo đường huyết tại giường của chị M. cao gấp 4 lần bình thường, định lượng ceton máu cao hơn 25 lần mức cho phép, kèm rối loạn điện giải.
Người bệnh nhiễm toan ceton do tiểu đường (acid trong máu tăng cao) có thể rơi vào hôn mê nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. Các biến chứng có thể gặp như: toan máu nặng, rối loạn điện giải, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, thậm chí tử vong.
Chị M. được truyền insulin, bù dịch, bù điện giải, xét nghiệm kiểm tra các chức năng gan, thận, tim, phổi. Người bệnh được nhập viện điều trị và theo dõi đường huyết, tránh tái nhiễm toan ceton, đồng thời xác định type tiểu đường nhằm có phương hướng điều trị bệnh lâu dài tốt nhất.
Kết quả xét nghiệm các chức năng gan, thận, tim của chị chưa bị ảnh hưởng do biến chứng của nhiễm toan ceton. Sau một thời gian, người bệnh có thể chuyển qua sử dụng thuốc viên uống hạ đường huyết, chứ không phải tiêm insulin nữa.
Theo bác sĩ Linh, trước khi mắc tiểu đường type 2, cơ thể đã chịu đựng một quá trình dài của lối sống sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh. Việc người bệnh khám sức khỏe 5 tháng trước nhưng không phát hiện bị tiểu đường có thể do đang trong tình trạng tiền tiểu đường (đường huyết cao nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường).
Chị M. chia sẻ, thời gian trước khi sụt cân, chị thường xuyên làm việc đến 1 giờ sáng, thức khuya đói bụng, lại thèm bánh ngọt, nước ngọt. Về sau, chị M. ăn không ngon miệng, khát nhiều, uống nước nhiều hơn, sụt cân nhanh chóng.
Theo bác sĩ Linh, insulin là một loại hormone được sản xuất từ tuyến tụy có vai trò giúp glucose (đường) trong máu đi vào tế bào chuyển hóa thành năng lượng. Người mắc bệnh tiểu đường type 2 khi cơ thể đề kháng insulin, trong khi tiểu đường type 1 cơ thể thiếu hụt insulin, cả hai tình trạng trên khiến cơ thể không vận chuyển glucose vào tế bào để tạo ra năng lượng.
Lúc này, cơ thể sẽ bị thiếu năng lượng hoạt động nên tìm cách bù đắp bằng cách đốt cháy chất béo. Tình trạng sụt cân xảy ra nhiều hơn ở người mắc bệnh tiểu đường type 1, một số trường hợp có thể gặp ở tiểu đường type 2.
Ngoài tình trạng sụt cân nhanh chóng người bệnh có nguy cơ gặp các biến chứng như: mất nước từ trung bình đến nặng, mất cân bằng hormone, yếu cơ bắp, rối loạn điện giải, suy thận, rối loạn ăn uống…
"Nếu bạn có triệu chứng sụt cân không rõ nguyên nhân nên đi khám để được kiểm tra và điều trị sớm, tránh biến chứng, chủ động khám tầm soát bệnh tiểu đường thường xuyên, ít nhất 1 năm/lần. Không nên chờ đến khi có triệu chứng mới đi khám, khi đó có thể bệnh đã đi kèm biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Linh khuyến cáo.