Sông Lô tăng tốc hoàn thiện kết cấu hạ tầng đón nhà đầu tư

Để tạo thế phát triển mới cho huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình, dự án trọng điểm nhằm hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, đưa huyện thuần nông này bắt nhịp với xu thế phát triển công nghiệp của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện tập trung cao độ cho công việc.
Cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện tập trung cao độ cho công việc.

Ba năm qua, hàng loạt dự án giao thông trên địa bàn huyện Sông Lô đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Có thể kể đến dự án Đường từ nút giao lập thể đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đến trung tâm huyện và tuyến nhánh đi khu công nghiệp Sông Lô I; Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT307 kết nối với tỉnh Tuyên Quang; dự án Đường đôi trung tâm huyện; dự án Cải tạo đường ĐT307B từ ngã ba Nhạo Sơn đến ngã ba thị trấn Tam Sơn. Cầu Vĩnh Phú với tổng mức đầu tư gần 540 tỷ đồng đã hoàn thành, chuẩn bị đưa vào khai thác.

Dự án Đường du lịch ĐT307 (xã Tân Lập) đi hồ Vân Trục với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng, khối lượng thi công đến nay đạt trên 60%. Như vậy, huyện Sông Lô không còn bị cô lập như trước mà được kết nối đường bộ với thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) và huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), với cao tốc Nội Bài-Lào Cai, mở ra những cơ hội thu hút đầu tư rõ rệt.

Đến thời điểm này, Sông Lô vẫn chưa có nhà máy hiện đại nào, chỉ có một vài cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. Sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Người dân vẫn phải đi làm cho các khu công nghiệp ở xa.

Để từng bước nâng cao thế và lực, ba năm qua, huyện tập trung giải phóng mặt bằng một diện tích lớn để xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp.

Sông Lô tăng tốc hoàn thiện kết cấu hạ tầng đón nhà đầu tư ảnh 1

Cầu Vĩnh Phú kết nối huyện Sông Lô với thành phố Việt Trì.

Thông tin về tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án lớn, ông Trần Văn Khanh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sông Lô cho biết: Dự án Khu công nghiệp Sông Lô I với tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng được xây dựng tại xã Tứ Yên, xã Đồng Thịnh và xã Đức Bác. Đến nay, huyện đã kiểm kê, kiểm đếm vào biên bản được 98,88 ha trên tổng số 177,72ha; đã lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng được 75,32ha trên tổng diện tích 87ha (giai đoạn I của dự án do chủ đầu tư đề xuất thực hiện trước).

Đối với dự án Khu công nghiệp Sông Lô II có tổng diện tích mặt bằng là 165,65ha, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, huyện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng xong 160,32, trình UBND tỉnh giao đất đợt 1 cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc 152ha trên địa bàn các xã Yên Thạch và Đồng Thịnh. Chủ đầu tư đã tổ chức lễ khởi công dự án vào ngày 25/6 vừa qua.

Tại lễ khởi công, ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc bày tỏ cảm kích, lãnh đạo huyện và chính quyền các cấp đã vào cuộc quyết liệt, giúp chúng tôi tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Trong thời gian ngắn, huyện cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để dự án được khởi công đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, các đơn vị của huyện cũng đang tập trung giải phóng mặt bằng để triển khai Dự án Cụm công nghiệp Đồng Thịnh với tổng mức đầu tư 112 tỷ đồng, tổng diện tích phải thu hồi đất là 13,60ha. Đến nay đã hoàn thành việc quy chủ tại thực địa, phê duyệt phương án bồi thường đối với 7,6ha.

Sông Lô tăng tốc hoàn thiện kết cấu hạ tầng đón nhà đầu tư ảnh 2

Khởi công Khu công nghiệp Sông Lô II.

Trong lĩnh vực giao thông, huyện Sông Lô đã hoàn tất các thủ tục đầu tư trình thẩm định phê duyệt dự án Cải tạo, nâng cấp ĐT.306, đoạn từ nút giao với đường Văn Quán-Sông Lô đi cầu Vĩnh Phú, tổng mức đầu tư 289 tỷ đồng; tổ chức đấu thầu xong dự án Đường từ Trung tâm y tế huyện Lập Thạch đến đê tả sông Lô, tổng mức đầu tư 262,97 tỷ đồng.

Dự án Cải tạo, nâng cấp ĐT307 đoạn từ Km26+400 đến Km31+200 địa phận huyện Sông Lô có tổng mức đầu tư được duyệt là 134,6 tỷ đồng, hiện đang triển khai khai lập thiết kế bản vẽ thi công.

Sự bứt phá về kết cấu hạ tầng giúp Sông Lô sẵn sàng đón cơ hội đầu tư và phát triển công nghiệp trong thời gian tới.

Để thực hiện khối lượng công việc rất lớn, Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng, Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của huyện phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Những vướng mắc chủ yếu ảnh hưởng đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là: nhiều gia đình chia tách đất cho các thành viên trong gia đình sử dụng ổn định nhiều năm nhưng không có giấy tờ chia tách; khó xác định nguồn gốc đất, việc tranh chấp quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó còn có nhiều vướng mắc khác như: hồ sơ địa chính, giấy tờ lưu trữ không đầy đủ, biến động đất đai, khó xác định chủ sở hữu, diện tích đất từng hộ. Tình trạng xây dựng trái phép, trục lợi tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của một số hộ diễn ra với nhiều hình thức, gây khó khăn cho công tác kiểm kê tài sản, tính toán lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Ngọc Khang đánh giá, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nỗ lực làm việc cả ngày nghỉ, ngày lễ để bảo đảm tiến độ. Sự bứt phá về kết cấu hạ tầng giúp Sông Lô sẵn sàng đón cơ hội đầu tư và phát triển công nghiệp trong thời gian tới.