Sống lại những thời khắc lịch sử qua triển lãm “Đường lên Điện Biên”

NDO - Trong quãng thời gian chiến đấu khốc liệt của Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều nghệ sĩ, họa sĩ đã trực tiếp lên đường, hòa cùng các đoàn quân hướng về mặt trận. Bằng ngôn ngữ tạo hình phong phú và màu sắc, họ khắc họa một cách chân thực, sinh động hình ảnh của quân và dân ta từ những ngày “nếm mật nằm gai” cho đến thời khắc giành được chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
0:00 / 0:00
0:00
Tác phẩm "Đường lên Điện Biên" của họa sĩ Trần Khánh Chương.
Tác phẩm "Đường lên Điện Biên" của họa sĩ Trần Khánh Chương.

Hướng đến Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Đường lên Điện Biên” từ ngày 26/4-15/5 tới đây. Triển lãm giới thiệu 70 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, ký họa và áp phích về Điện Biên của 34 tác giả, sáng tác trải dài từ năm 1949-2009.

Với phương pháp trưng bày truyền thống, ứng dụng cùng công nghệ trình chiếu ảnh động (cinemagraph) giữa không gian tương tác và trải nghiệm, triển lãm đưa người xem sống lại những khoảnh khắc lịch sử của chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.

Cuộc sống chiến đấu của những người lính Điện Biên được tái hiện rõ nét qua triển lãm. Nhiều tác phẩm khắc họa sâu sắc các trận đánh hào hùng, oanh liệt tại chiến trường như: “Đánh vào trung tâm Điện Biên Phủ” của Nguyễn Thế Vị, “Điện Biên năm ấy” của Cao Trọng Thiềm… Công tác kéo pháo vào trận địa chuẩn bị cho chiến dịch được thể hiện đặc sắc qua tác phẩm “Tô Vĩnh Diện chèn pháo”, “Kéo pháo” của Dương Hướng Minh và “Kéo pháo Điện Biên” của Trần Đình Thọ.

Sống lại những thời khắc lịch sử qua triển lãm “Đường lên Điện Biên” ảnh 1

Tranh sơn mài "Kéo pháo Điện Biên” của tác giả Trần Đình Thọ.

Sự hỗ trợ của hàng chục ngàn dân công được mô tả qua tác phẩm “Việt Bắc” của Đào Đức, “Tiễn nhau đi dân công” của Lưu Văn Sìn, “Cả nước ra trận” của Lưu Danh Thanh. Tình cảm quân và dân gắn bó khăng khít, đùm bọc lẫn nhau trong thời chiến cũng được diễn tả qua “Tình quân dân” của Nguyễn Sáng và “Đường lên Điện Biên” của Trần Khánh Chương.

Chùm ký họa chiến trường Điện Biên Phủ mà họa sĩ Tô Ngọc Vân thực hiện trước lúc hy sinh là điểm nhấn của triển lãm lần này. Không ít tác phẩm có hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các chiến sĩ và đồng bào tham gia kháng chiến, đoàn kết một lòng hướng về Điện Biên.

Bên cạnh đó, tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng, “Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng” của Lê Vinh… đều là những tác phẩm kinh điển thể hiện tinh thần anh dũng ở chiến đấu.

Triển lãm “Đường lên Điện Biên” không chỉ thể hiện sự trân trọng và tự hào về những trang sử vàng của dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đại đoàn kết của toàn dân, toàn quân mà còn là sự tri ân sâu sắc đối với thế hệ các anh hùng, liệt sĩ từng tham gia kháng chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Triển lãm là lời tri ân của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam gửi tới những họa sĩ, nhà điêu khắc. Chính sự sáng tạo của họ sẽ mang đến cho công chúng một khí thế hào hùng và cảm xúc qua “Đường lên Điện Biên”. Buổi thảo luận với chủ đề “Đường lên Điện Biên” và “Những kỷ niệm về họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân” cũng sẽ diễn ra trong khuôn khổ chương trình.

Triển lãm tranh và điêu khắc “Đường lên Điện Biên” dự kiến mở cửa từ ngày 26/4-15/5 ở tầng 1 nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại số 66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội.