Nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm:

Nghệ thuật tạo hình không chỉ để trang trí hay phản ánh thời sự

Triển lãm điêu khắc toàn quốc từng được xem là nơi hội tụ nghề nghiệp quan trọng của giới điêu khắc Việt Nam. Nhưng trước những vận động mới của đời sống đất nước ít nhất là trong 10 năm qua, triển lãm có còn giữ được vị thế quan trọng trong giới nghề nghiệp này và nghệ thuật điêu khắc Việt Nam có những thay đổi nào đáng kể? Nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm, giảng viên khoa Điêu khắc-Đại học Mỹ thuật Việt Nam có cuộc trò chuyện cùng chúng tôi:
0:00 / 0:00
0:00
Nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm
Nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm

Hoài phí nhiều thông điệp nghệ thuật

Là người đã tham gia cả ba kỳ Triển lãm điêu khắc toàn quốc gần đây nhất, anh có thể chia sẻ nhận xét bao quát của anh về kỳ Triển lãm lần này?

Điểm đáng chú ý trong lần này là sự hiện diện của chất liệu bền vững, chất liệu thật sự của điêu khắc, như đá, gỗ, các loại kim loại (đồng, sắt, inox) cùng một số cách làm mới để thể hiện không gian và nhịp điệu tác phẩm một cách đa dạng, qua mảng, khối và nét. Kỹ thuật xử lý chất liệu tốt, tạo hình đẹp.

Nhưng bên cạnh đó, nội dung thể hiện nhìn chung còn đơn điệu và có phần nhàm chán. Vẫn tượng chân dung tả thực, vẫn các gợi tả gia đình hạnh phúc, tình mẫu tử, tình yêu nam nữ, vẻ phồn thực của cơ thể người nữ hay những khắc khoải đời sống cá nhân... Một số khác lại đi chọn chủ đề thời sự xã hội với tạo hình điêu khắc khá thô mộc. Tôi nghĩ, xu thời cũng tốt thôi nhưng đó không phải là mục đích của nghệ thuật đích thực.

Từ kỳ Triển lãm năm 2003 đến nay, một số sáng tác mang hình thức của nghệ thuật sắp đặt cũng đã được đưa vào trong triển lãm chuyên ngành điêu khắc, trong khi nghệ thuật sắp đặt không đơn giản chỉ là chiếm lĩnh không gian ba chiều như điêu khắc mà còn cần nhiều yếu tố khác trong cách thức thể hiện. Từng có nhiều năm tham gia thực hành với nghệ thuật sắp đặt, anh có cho rằng có một sự khiên cưỡng nhất định khi xếp loại hình nghệ thuật này vào một triển lãm điêu khắc?

Cá nhân tôi cho rằng, trong bối cảnh mới hiện nay của nghệ thuật, không nên bó hẹp triển lãm điêu khắc chỉ bao gồm các tác phẩm đơn lẻ mà có thể bao gồm cả những thể nghiệm về hình thức trình hiện tác phẩm song hành với ý tưởng biểu đạt mới. Chẳng hạn, một tác phẩm có thể choán một thể tích không gian nhất định, trong đó, tác giả dùng hình khối và tạo hình của điêu khắc để biểu đạt ý đồ, ý tưởng nào đó. Nhưng điều quan trọng là phải dành cho nó một không gian thích hợp kèm theo các điều kiện phụ trợ (ánh sáng, âm thanh) tương ứng.

Việc thiếu chú trọng trong giới thiệu và trưng bày tác phẩm điêu khắc hay sắp đặt ở kỳ Triển lãm này có thể dẫn đến hệ quả gì?

Nhiều sắp đặt không đạt tới được như mong muốn của tác giả. Nhiều thông điệp nghệ thuật bị hoài phí do không đến được với người xem.

Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm là tại kỳ Triển lãm lần này, có vẻ như công tác trưng bày tác phẩm chưa được quan tâm đầy đủ. Ở không gian trong nhà, chỗ thì các tác phẩm được dàn đều ra, chỗ lại co cụm đến bất hợp lý; hệ thống chiếu sáng không phù hợp. Hay một số tác phẩm phù hợp với bày trong phòng thì lại được đặt ở ngoài trời và ngược lại. Nhiều tác phẩm có tạo hình đẹp nhưng do không gian trưng bày không phù hợp nên giá trị của chúng không được phát huy tối đa.

Như anh chia sẻ, nhiều đồng nghiệp khác có tác phẩm tốt nhưng họ không tham gia kỳ Triển lãm này, vì cách thức tổ chức không thay đổi gì dẫu đã có nhiều đổi mới trong đời sống nghệ thuật đất nước. Vậy sự thay đổi như thế nào thì mới thu hút được họ tham gia?

Tôi tham gia lần này cũng vì nổi hứng phong trào một chút và cũng để bản thân có được cái nhìn thực tế, rằng điêu khắc nước nhà đổi mới được những gì sau 10 năm. Nhưng đúng là nếu các phiên sau cũng vẫn cách thức tổ chức như thế này, tôi sẽ không tham gia nữa.

Để trả lời câu hỏi của chị về công tác thực hiện, cần đề cao trách nhiệm cá nhân thông qua việc mời giám tuyển/nhóm giám tuyển chịu trách nhiệm chuyên môn nghệ thuật cho một triển lãm tầm quốc gia như vậy. Họ sẽ là cầu nối đưa thông điệp nghệ thuật của tác phẩm đến với công chúng để không bị hoài phí. Với uy tín của mình, họ sẽ chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn tác giả, tác phẩm cho phiên triển lãm và việc này cần phải được lên kế hoạch hoặc phát động từ rất sớm để có nhiều thời gian chuẩn bị. Nhờ đó, các tác giả sẽ tham dự với một tinh thần khác, chất lượng nghệ thuật chắc chắn sẽ tốt hơn. Cách làm này không có gì mới so với các triển lãm nghệ thuật hiện nay ở khu vực chứ chưa dám nói tầm quốc tế. Một số triển lãm do tư nhân ở Việt Nam thực hiện đã áp dụng cách thức này từ lâu rồi.

Nghệ sĩ đừng tự triệt tiêu sự mơ mộng

Nghệ thuật tạo hình không chỉ để trang trí hay phản ánh thời sự ảnh 1

Nguyễn Ngọc Lâm, Kén 06, Giải Khuyến khích, tại Cuộc thi và Triển lãm điêu khắc toàn quốc 2013-2023.

Nhân đây, anh có thể chia sẻ thêm về một số biểu hiện đáng được quan tâm của điêu khắc Việt Nam, theo quan sát của cá nhân mình?

Trong vài năm trở lại đây, điêu khắc đã xuất hiện trong các gallery tư nhân, được một số nhà sưu tập nội địa quan tâm, có giao dịch thị trường. Đó là tín hiệu rất đáng mừng. Chất lượng tác phẩm nhìn chung có tiến bộ hơn về chất liệu và kỹ thuật thể hiện.

Tuy nhiên điều đáng tiếc là ở nhiều tác phẩm, ý tưởng lại không đồng hành với hình thức, chất liệu và kỹ thuật thể hiện. Một số tác giả quan tâm đến hình thức thể hiện nhiều hơn là làm giàu có ý tưởng nghệ thuật, lại đặt những cái tên tác phẩm quá cao siêu hoặc quá mỹ miều, nhắm tới khách hàng có tiền và muốn trang trí nội ngoại thất theo cách khác biệt với số đông...

Từ phía người làm, tôi thấy buồn vì có một số nghệ sĩ mới vào nghề và cả người đã trưởng thành rồi cũng đều chủ đích đi theo hướng “thị trường”. Như vậy, nếu ý tưởng thể hiện mà mang tính cá nhân hoặc những ý tưởng hay nhưng nhiều kịch tính thì tác phẩm chắc chắn khó bán hơn nên họ chọn câu chuyện nhẹ nhàng, an toàn, hình thức đẹp đẽ kiểu “chim, hoa, cá, gái” như hội họa hồi mới có thị trường để khai triển. Hệ quả của việc này là rất lớn, nó có thể dẫn dắt thẩm mỹ của xã hội đi xuống, không còn đất sống cho nghệ thuật chân thành và cao đẹp nữa.

Người mới vào nghề hẳn là có cựu sinh viên của anh, vì anh đã giảng dạy ở khoa Điêu khắc-Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ khoảng 10 năm qua. Từ khi giảng dạy, việc chia sẻ với sinh viên về ý thức và danh dự nghề nghiệp được anh và các giảng viên khác quan tâm như thế nào?

Cái này thì không có trong giáo trình (cười) nên tùy vào từng giảng viên thôi. Tôi thường hay chia sẻ với các em về việc sau khi ra trường sẽ làm nghệ sĩ điêu khắc hay dừng lại ở thợ điêu khắc? Làm thợ thì chỉ cần khéo tay, chăm chỉ và cần tính toán một chút thôi. Làm nghệ sĩ thì phải dấn thân, dám sống và làm việc với đam mê của mình, và cần phải có nền tảng văn hóa, kiến thức, luôn học hỏi, tích lũy vốn sống và tư duy...

Hiện nay môi trường đào tạo tại khoa Điêu khắc nói riêng và ngôi trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nói chung rất cởi mở, luôn khuyến khích các em sáng tạo. Nhưng có một thực tế là trong vòng 5-7 năm trở lại đây, khá đông sinh viên nhập học khoa Điêu khắc đến từ các làng nghề truyền thống. Các em có mong muốn học hỏi kiến thức điêu khắc cơ bản để về phát triển nghề ở làng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, một số em khác không đến từ làng nghề nhưng cũng mong học được một nghề để đơn giản là kiếm sống.

Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng, trong hoàn cảnh xã hội thay đổi từng ngày như hiện nay, nếu trong cả dăm khóa đào tạo có được một vài nhân tố nghệ sĩ, theo đuổi đam mê thì đã là điều may mắn và đóng góp nhiều cho điêu khắc đất nước rồi. Đời sống vật chất phát triển dễ cuốn trôi khát khao, đam mê của con người, không cho phép người ta theo đuổi việc làm những thứ đầy mơ mộng điên rồ nữa chăng?

Cảm ơn anh về một cuộc trò chuyện cởi mở!

Nguyễn Ngọc Lâm có tác phẩm được sưu tập bởi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Flamingo và một số nhà sưu tập tư nhân trong nước.

Anh được mời tham gia nhiều dự án nghệ thuật quy mô ở trong và ngoài nước, như Kohler and the Arts của tập đoàn Kohler dành cho nghệ sĩ 6 nước Đông Nam Á (năm 2015), Triển lãm Mở cửa-giới thiệu thành tựu mỹ thuật Việt Nam sau 30 năm Đổi mới (năm 2016), các phiên triển lãm điêu khắc Hà Nội-Sài Gòn của nhóm các nhà điêu khắc tên tuổi ở hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, định kỳ hai năm, từ năm 2010 đến nay.

Triển lãm điêu khắc toàn quốc định kỳ 10 năm diễn ra từ năm 1973, đã qua sáu phiên. Phiên thứ sáu, định kỳ 2013-2023 (từ 15/9 đến 10/10/2023 tại Hà Nội) cũng là phiên đầu tiên của định kỳ mới: 5 năm, chọn trưng bày 225 tác phẩm của 164 tác giả.