Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình nằm ở vị trí “đắc địa” bậc nhất của thành phố Đồng Hới, bởi phía trước có Quốc lộ 1A chạy qua, sau lưng là Hồ Thành - mang đậm dấu ấn lịch sử. Khi Quảng trường Hồ Chí Minh được hoàn thành, nơi đây thành không gian văn hóa-lịch sử đặc biệt của tỉnh Quảng Bình, được người dân và khách du lịch chọn để “check-in” bởi không gian thoáng đãng, trang trí đẹp.
Cảm nhận được lợi thế đó nên những người làm bảo tàng ở Quảng Bình đã từng bước đổi mới nhận thức và cách làm về bảo tàng, biến nơi lưu giữ ký ức thời gian thành không gian văn hóa-lịch sử để người dân, trong đó có khách du lịch khi đến với Quảng Bình có điều kiện tham quan, tìm hiểu thêm về vùng đất và con người nơi đây.
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình Mai Thế Trung, bảo tàng đang lưu giữ, bảo quản, trưng bày hơn 16 nghìn hiện vật, ảnh, phim tư liệu liên quan tới lịch sử, phong tục, tập quán, văn hóa Quảng Bình qua các thời kỳ.
Tất cả các hiện vật trưng bày đều được chú thích, giới thiệu ngắn gọn bằng tiếng Việt và tiếng Anh theo bảy chủ đề thuộc các lĩnh vực: Thiên nhiên, tài nguyên thiên nhiên; văn hóa các dân tộc; thời sơ sử, văn hóa Chăm-pa; từ thế kỷ XI đến năm 1945; thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954); sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1954-1975); thời kỳ đổi mới và phát triển.
Tạo ấn tượng và có sức thu hút đặc biệt đối với người xem là những bức ảnh, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều hiện vật lịch sử, trong đó có các bức ảnh ghi lại sự kiện Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16/6/1957); bộ sưu tập huân chương, huy hiệu các loại, thư khen, hiện vật... mà Bác Hồ tặng thưởng cho các cá nhân, đơn vị trong tỉnh... Đó là những nguồn tư liệu quý để người dân Quảng Bình nói riêng, khách tham quan nói chung được tiếp cận với di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại.
Không chỉ phong phú về hiện vật lịch sử, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình còn trưng bày rất nhiều hiện vật có giá trị văn hóa của người Quảng Bình qua các thời kỳ. Một trong những điểm nhấn là bộ sách vải viết bằng chữ thư pháp Việt về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bộ sách này đã được xác lập kỷ lục Việt Nam và thế giới. Ngoài ra, bảo tàng còn được Bộ Quốc phòng tặng phần mềm và thiết bị tham quan 3D giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo anh Mai Thế Trung, thông qua việc trưng bày, bảo quản các hiện vật tại bảo tàng đã giúp người dân hiểu thêm và trân trọng, tự hào về lịch sử, văn hóa địa phương. Nơi này còn là địa chỉ mà nhiều cơ quan, đơn vị, trường học và các cá nhân đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu những giá trị văn hóa dân tộc, địa phương phục vụ nhiệm vụ, công việc của mình.
Thời gian gần đây, những người làm Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình đang từng bước biến nơi lưu giữ “ký ức thời gian” thành sản phẩm du lịch, thông qua việc đón các tour du lịch hoặc các đoàn khách khi đến địa phương.
Tình cờ, tôi gặp chị Nguyễn Thị Huệ, quê ở Quảng Bình, hiện sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh đang say sưa tìm hiểu những hiện vật là những cối, chày, nơm, giỏ... Chị chia sẻ: “Lớn lên nơi đồng quê chiêm trũng Lệ Thủy, nên những vật dụng này từng gắn bó với tuổi thơ của mình. Sau này lớn lên đi học rồi lập nghiệp ở xa, mỗi khi về thăm quê, mình không còn nhìn thấy những vật dụng này nữa bởi cuộc sống hiện nay đã có thứ khác thay thế.
Bây giờ có dịp ghé vào thăm bảo tàng tỉnh, mình rất bất ngờ khi tìm lại được ký ức và bồi hồi nhớ lại ngày tháng đã qua. Tuổi thơ tuy thiếu thốn nhưng rất vui vẻ, vô tư nơi đồng quê như được gợi lại với nhiều cảm xúc thông qua những vật dụng thủ công còn lưu giữ trong bảo tàng. Mình giới thiệu cho con trai biết về những vật dụng của thế hệ bố mẹ đã dùng, tuy cháu chưa hiểu hết nhưng phần nào cũng biết được để trân trọng quá khứ. Mình còn chụp nhiều ảnh để về giới thiệu với bạn bè”.
Còn bạn Huỳnh Lý Ngọc Diễm, sinh viên Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Lần đầu đến Quảng Bình, nơi tôi muốn đến đầu tiên không phải là các danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp mà là Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình. Tôi muốn biết thêm, muốn ngắm nhìn thật kỹ những dấu ấn bảo tàng lưu lại, trưng bày về vùng đất này. Từ văn hóa sơ khai, từ thời kỳ đồ đá, từ các đặc điểm tự nhiên cho đến những năm tháng đấu tranh hào hùng của dân tộc, vùng đất Quảng Bình đều mang trong mình một nét rất riêng”.
Cũng với mạch nguồn cảm xúc đó khi lần đầu được đến với vùng “đất lửa” Quảng Bình, đoàn học sinh Trường THCS và THPT Nhân Văn ở Thành phố Hồ Chí Minh để lại những dòng cảm tưởng xúc động: “Được Ban Giám hiệu tạo điều kiện, chúng em được tham quan, tìm hiểu về vùng đất Quảng Bình. Tại nơi đây, chúng em như được khai sáng, tận mắt chứng kiến những hiện vật còn được lưu giữ, qua đó thấy được nét văn hóa và những đóng góp, sự hy sinh to lớn mà thế hệ cha anh đã trải qua. Chúng em rất xúc động và biết ơn, trân trọng quá khứ và phấn đấu trên con đường học tập, lập nghiệp”.
Việc bảo tàng tỉnh luôn mở cửa để phục vụ người dân và khách du lịch đến tham quan, chiêm ngưỡng là sự cố gắng lớn, nhằm đưa hiện vật có giá trị lịch sử và văn hóa đến gần hơn với công chúng.
Để có được sự đổi mới này, theo lãnh đạo Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình là nhờ đơn vị đã kết cấu lại không gian trưng bày theo hướng giúp người xem dễ tham quan, tiếp cận với thông tin qua chuỗi hiện vật bằng cách đọc các bảng giới thiệu trích lược các giai đoạn lịch sử của Quảng Bình gắn với từng hiện vật, tư liệu cụ thể, nhằm minh chứng cho các sự kiện, giai đoạn lịch sử đó. Cách trưng bày hiện vật, tư liệu mang tới cho khách tham quan sự ấn tượng nhờ cách phối mầu sơn trên từng bức tường, với hệ thống chiếu sáng bằng đèn led tự động.
Phương pháp làm việc của cán bộ, nhân viên Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình cũng có nhiều thay đổi, chuyển dần từ tư duy bảo quản, lưu giữ hiện vật sang phục vụ công chúng. Việc thuyết minh, phục vụ ân cần, niềm nở tạo thiện cảm cho người xem. Bảo tàng còn phối hợp các doanh nghiệp lữ hành trong việc kết nối tour, tuyến, nhất là tour du lịch khám phá thành phố Đồng Hới bằng xe điện; phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức cho giáo viên và học sinh đến tham quan, tìm hiểu bảo tàng.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, Đặng Đông Hà cho biết, thăm Quảng trường Hồ Chí Minh và tham quan bảo tàng tỉnh gần đây trở thành nhu cầu của không chỉ người dân mà còn đông đảo du khách khi đến Quảng Bình. Đơn vị đang chỉ đạo xây dựng nơi đây thành điểm đến mới ở thành phố Đồng Hới gắn với tham quan di tích lịch sử quốc gia Quảng Bình quan, tượng đài Mẹ Suốt…
Còn theo Giám đốc Công ty du lịch Netin Trần Xuân Cương, du khách khi đến Đồng Hới thường chọn xe điện để dạo phố khi chiều về trong làn gió mát thổi từ biển. Trong hành trình đó, họ ghé thăm các di tích và danh thắng trên địa bàn. Nếu Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình trở thành điểm đến thì chắc chắn lượng khách đến thăm sẽ đông hơn, bởi nhu cầu tham quan đó giúp du khách hiểu thêm về lịch sử, văn hóa vùng đất mà họ đang đến.
Theo anh Mai Thế Trung, việc mở cửa đón khách du lịch đến thăm Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình là sự chuyển biến lớn nhưng kết quả mới chỉ là bước đầu và vẫn đang là nỗi trăn trở của những người làm công tác bảo tàng. Hiện Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình chưa thu phí và chưa có dịch vụ nào để phục vụ khách thăm; bảo vật quốc gia và nhiều hiện vật quý chưa thể trưng bày phục vụ khách do điều kiện chưa bảo đảm; công tác chuyển đổi số phục vụ quản lý, trưng bày, giới thiệu các hiện vật, kỷ vật mới ở bước đi đầu tiên…
Phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, song với việc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình hằng ngày mở cửa đón khách, dần trở thành không gian văn hóa đã cho thấy thiết chế văn hóa vốn mang tính trầm tư này dần được “sống lại”. Mỗi hiện vật lưu giữ ở đây đang được “tự kể” câu chuyện ký ức thời gian của mình, qua đó, giúp người xem hiểu, trân trọng quá khứ và tin hơn ở tương lai.