Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2, từ đêm 22 đến ngày 25/7, trên địa bàn tỉnh Sơn La có mưa to đến rất to, gây lũ quét, sạt lở đất, thiệt hại lớn về người, thiệt hại nặng nề tài sản của Nhà nước và nhân dân, đặc biệt là tại các huyện Vân Hồ, Mai Sơn, Thuận Châu, Sông Mã và thành phố Sơn La.
Mưa lũ đã làm 9 người chết, 1 người mất tích, 5 người bị thương; hơn 2.300 nhà bị thiệt hại, trong đó có 125 nhà phải di dời khẩn cấp, 59 nhà thiệt hại hơn 70%; 860 nhà bị ngập nước từ 1 đến 3m… cùng nhiều thiệt hại về giao thông, điện, nông nghiệp… Ước tổng thiệt hại trị giá 315,7 tỷ đồng.
Tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức họp bàn triển khai các nhóm giải pháp trong công tác khắc phục, phòng, chống mưa lũ. |
Xác định nguyên nhân để xảy ra thiệt hại nghiêm trọng do mưa lũ, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã thẳng thắn chỉ ra rằng, công tác thực hiện quy hoạch, đất đai, xây dựng gắn với quy hoạch phòng, chống thiên tai còn bất cập, thiếu đồng bộ, nhất là ở các đô thị, khu dân cư tập trung, khu vực kinh tế phát triển.
Hiện nay, việc quy hoạch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng chưa quan tâm đến xử lý thoát nước mặt, tiêu thủy. Tình trạng vi phạm lấn chiếm dòng chảy để xây dựng nhà, công trình diễn ra khá phổ biến nhưng chậm được xử lý, ngăn chặn.
|
Thành phố Sơn La đã tổ chức cưỡng chế các hộ gia đình vi phạm trong xây dựng, ảnh hưởng đến các công trình thoát lũ. |
Công tác quản lý, thực hiện quy hoạch phòng, chống thiên tai còn yếu, nhất là trong việc cảnh báo, di dời, bố trí sắp xếp các hộ dân đến nơi an toàn chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết, do đó khi thiên tai xảy ra thường gây thiệt hại lớn, hậu quả nặng nề, trong điều kiện ngân sách địa phương còn rất khó khăn.
Điện Biên, Sơn La khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
Các ngành, các địa phương chưa thật sự chú trọng đến việc bồi bổ, cải tạo đất, nâng cao độ che phủ đất, làm cho khả năng điều hòa lũ của rừng và thảm thực vật bề mặt bị giảm, gây nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Mưa lớn kéo dài đã gây ngập úng nặng tại trung tâm thành phố Sơn La, gây thiệt hại hơn 100 tỷ đồng. |
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các huyện, thành phố đã báo cáo nhanh công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cũng như những kiến nghị, đề xuất với tỉnh. Các sở, ngành đã báo cáo về quy hoạch thoát nước tại một số điểm thường xuyên bị ngập úng trên địa bàn thành phố và đô thị các huyện; giải pháp khắc phục sạt lở đối với kết cấu hạ tầng giao thông, điện, thông tin; việc cân đối, phân bổ nguồn vốn cho công tác di dời dân cư…
Đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La đã yêu cầu các sở, ngành, huyện, thành phố tập trung cao hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai theo đúng quy định.
Mưa lũ đã gây ngập úng hơn 270 hộ tại các bản của xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, trong đó có 39 hộ bị ngập hoàn toàn. |
Vận động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống; khẩn trương sửa chữa ngay các công trình bị ảnh hưởng, bảo đảm kịp thời cung cấp điện, nước sạch, thông tin liên lạc, vệ sinh môi trường cho người dân.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình đang thi công dở dang, hồ đập xung yếu, công trình thủy điện, thủy lợi có nguy cơ mất an toàn cao.
Các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ tại đường Trường Chinh, thành phố Sơn La. |
Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thoát nước, phòng chống ngập úng đang triển khai. Trước mắt, thực hiện ngay các biện pháp cưỡng chế giải phóng mặt bằng, nạo vét, khơi thông, bảo đảm lưu thông dòng chảy tại khu vực đang thi công.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La cũng yêu cầu rà soát kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, ngân sách tỉnh năm 2024 để dừng, giãn, hoãn các nhiệm vụ, dự án chưa thực sự cần thiết để có nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai.