Đầu năm 2006, Đảng bộ tỉnh Sơn La vẫn còn 86 cơ sở chưa có đảng viên, 995/3.181 cơ sở chưa có chi bộ… Các cơ sở chưa có đảng viên, chưa có chi bộ hầu hết đều ở các bản vùng sâu, vùng cao biên giới thuộc các xã đặc biệt khó khăn… Với những giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực tiễn trong việc đẩy mạnh công tác phát triển Đảng tại các vùng khó khăn, đến năm 2020, tỉnh Sơn La đã có 100% số bản, tiểu khu, tổ dân phố, trường học, trạm y tế trong toàn tỉnh có đảng viên và thành lập được chi bộ…
Cũng bởi các địa bàn vùng sâu, vùng xa của Sơn La thiếu tổ chức đảng, đảng viên, nên đã gây nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, giáo dục và quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đến quần chúng nhân dân và việc phân công đảng viên và chi bộ trực tiếp theo dõi, giúp đỡ quần chúng ưu tú để tạo nguồn phát triển Đảng.
Ở những vùng khó khăn này vẫn còn các hủ tục lạc hậu, tình trạng di dịch cư tự do, người dân bị kẻ xấu lợi dụng vẫn thường xuyên xảy ra… nên khó khăn cho cấp uỷ cơ sở trong công tác thẩm tra, xác minh lý lịch đối tượng kết nạp Đảng, nhất là tại một số bản có tệ nạn ma tuý, gây cản trở, khó khăn trong xây dựng, phát triển nguồn kết nạp đảng viên…
Nhận định rõ thực trạng và những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển Đảng ở những vùng khó khăn, ngày 10/2/2006, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển Đảng ở bản, trường học, trạm y tế chưa có đảng viên và tổ chức đảng.
Chỉ sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết số 03, đến hết năm 2006, tỉnh Sơn La đã kết nạp được đảng viên ở 61 cơ sở trước đó chưa có đảng viên (56 bản, 4 trường học, 1 ở trạm y tế); thành lập được 364 chi bộ mới trước đó chưa có chi bộ (230 bản, 59 trường học, 75 trạm y tế). Qua đó, thu hẹp dần số cơ sở chưa có đảng viên và chi bộ, góp phần bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, toàn tỉnh Sơn La đã có 4.758 quần chúng ở cơ sở chưa có đảng viên và tổ chức đảng được đưa vào danh sách nguồn, trong đó 3.903 quần chúng đã được học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.
Đến cuối năm 2015, Đảng bộ tỉnh Sơn La đã thành lập được 1.070 chi bộ (737 bản, 248 trường học, 85 trạm y tế), trong đó thành lập 704 chi bộ do kết nạp được đảng viên, có đủ đảng viên sau khi chuyển đảng chính thức (446 bản, 197 trường, 61 trạm y tế ). Số chi bộ còn lại được thành lập do điều động đảng viên nơi khác đến, tách bản, di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La chuyển đến. Số cơ sở chưa có chi bộ còn 86 bản, 10 trường học.
Trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Thành, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn La, được biết: Đến hết năm 2020, 100% bản, tiểu khu, tổ dân phố, trường học, trạm y tế trong toàn tỉnh có đảng viên và thành lập được chi bộ... Đến đầu tháng 9/2024, Đảng bộ tỉnh Sơn La có 17 đảng bộ trực thuộc, có 833 tổ chức cơ sở đảng, 4.115 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở với 93.216 đảng viên.
Công tác phát triển đảng viên là thanh niên người dân tộc ở các xã vùng sâu, vùng xa cũng được tỉnh Sơn La quan tâm. |
Để có được kết quả đó, các cấp uỷ đảng từ tỉnh đến các cơ sở của Sơn La đã quan tâm quán triệt sâu rộng về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc xây dựng, củng cố các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, trọng tâm và quan trọng nhất là công tác phát triển Đảng ở cơ sở chưa có đảng viên, tăng số lượng đảng viên ở từng chi bộ đảng, xây dựng chi bộ bền vững; nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở, nhất là bí thư cấp uỷ cơ sở về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm đối với công tác phát triển đảng viên, nhất là ở những vùng còn khó khăn.
“Đảng bộ tỉnh Sơn La đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để đông đảo quần chúng nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên để có thái độ, động cơ đúng đắn phấn đấu vào Đảng; tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong công tác tạo nguồn và kết nạp đảng viên bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình kết nạp Đảng. Phát huy tinh thần, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, nhằm tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên, tạo sức thu hút, tập hợp quần chúng ưu tú phấn đấu vào Đảng”. Đồng chí Nguyễn Đức Thành, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn La thông tin thêm.
Cùng với các giải pháp trên, Đảng bộ tỉnh Sơn La còn tập trung chỉ đạo nghiêm việc thực hiện phân công cán bộ phụ trách, bám nắm địa bàn cơ sở, tăng cường đảng viên là bộ đội biên phòng, quân sự, công an về sinh hoạt ở các bản chưa có chi bộ, chi bộ có ít đảng viên. Tỉnh Sơn La đã thực hiện bố trí đủ số cán bộ bộ đội biên phòng về các xã biên giới giữ chức danh phó bí thư đảng ủy xã phụ trách công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng, góp phần xóa bản trắng đảng viên, tổ chức đảng của tỉnh Sơn La.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La cũng đã giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì giao ban định kỳ hằng quý với các huyện ủy, thành ủy và các đơn vị có liên quan, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho cơ sở để nắm tình hình, đánh giá kết quả thực hiện công tác phát triển Đảng, đề ra biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Giao các huyện ủy, thành ủy xây dựng kế hoạch cụ thể, tiếp tục chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng ở cơ sở và cán bộ, đảng viên trong đảng bộ nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mỗi cấp uỷ trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ.
Từ những giải pháp phù hợp với thực tiễn đang được triển khai, đã tạo được việc làm ngay tại địa phương, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, thông tin thêm: Với đặc thù là một tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến công tác phát triển Đảng chính là điều kiện sống của người dân. Vì vậy, Đảng bộ tỉnh Sơn La luôn nhận thức rõ việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Từ những giải pháp phù hợp với thực tiễn đang được triển khai, đã tạo được việc làm ngay tại địa phương, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giảm thiểu đảng viên trẻ trong độ tuổi lao động, quần chúng trong nguồn phát triển Đảng ở cơ sở phải đi làm ăn xa; tạo điều kiện thuận lợi và động lực để quần chúng phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng...
Để công tác phát triển Đảng ở những vùng khó khăn một cách bền vững, Tỉnh ủy Sơn La đã và đang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai những chủ trương, kế hoạch, biện pháp và nghị quyết phù hợp với thực tiễn. Trong đó, đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở; Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, hợp tác xã tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025...
Từ việc ban hành các nghị quyết, triển khai đồng bộ các giải pháp nói trên, sẽ là cơ sở, động lực để giúp Đảng bộ tỉnh Sơn La triển khai, thực hiện tốt hơn nữa công tác phát triển đảng viên trên địa bàn, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn. Qua đó, góp phần tăng cường, củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới...