Sớm tháo gỡ vướng mắc trong xây dựng nhà ở xã hội tại Bạc Liêu

Thực hiện Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, tỉnh Bạc Liêu đã đề ra kế hoạch phấn đấu thực hiện 1.900 căn; trong đó, năm 2024 là 200 căn.
0:00 / 0:00
0:00
Khu nhà ở xã hội thuộc dự án Thiên Long, thành phố Bạc Liêu xây gần 20 năm nay nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng.
Khu nhà ở xã hội thuộc dự án Thiên Long, thành phố Bạc Liêu xây gần 20 năm nay nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu đã triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 với năm địa phương có danh mục dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến đầu tháng 6 này, toàn tỉnh vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội nào được thực hiện. Nguyên nhân được cho là yếu tố khách quan như một số danh mục phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn các huyện nằm xa trung tâm tỉnh, điều kiện kết nối hạ tầng chưa đồng bộ và thông thoáng.

Mặt khác, thời gian qua, trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn nên chưa thu hút được các nhà đầu tư đến với các địa bàn để hợp tác xây dựng. Các địa phương và các ngành chức năng của tỉnh chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội, nhất là việc lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, đề xuất chủ trương đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất... Trong đó, khó khăn nhất hiện nay là đất “sạch” dành cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trên địa bàn tỉnh chưa có...

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ nhà và đất tỉnh Bạc Liêu Trần Tam Trung cho biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, hiện, Trung tâm đang quản lý 54 nền đất tại Khu đô thị Hoàng Phát; 151 nền đất tại Khu dân cư Tràng An (thành phố Bạc Liêu) thuộc dạng nhà ở xã hội. Còn lại, đơn vị được giao quản lý hơn 37 ha, song thực tế chỉ có hơn 3 ha là đất “sạch” nhưng lại quy hoạch là đất y tế-giáo dục. Hầu hết diện tích đất còn lại chưa “sạch”, chưa thể giao cho các nhà đầu tư. Tại các địa phương như thành phố Bạc Liêu, huyện Phước Long, thị xã Giá Rai đều chung tình trạng khó khăn như vậy.

Mấy năm qua, tỉnh Bạc Liêu cũng đã triển khai một số dự án nhà ở xã hội như Dự án nhà ở xã hội tại Phường 1, thành phố Bạc Liêu, được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2022, có quy mô sử dụng đất 15.344,99 m2, chủ đầu tư là Công ty TNHH một thành viên Nam Mekong Bạc Liêu. Chủ đầu tư dự án này đang thực hiện thủ tục về đất đai. Dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Trà Kha ở Phường 8, thành phố Bạc Liêu, có quy mô sử dụng đất khoảng 2.828,78 m2 được quy hoạch làm nhà ở chung cư 9 tầng.

Ủy ban nhân dân thành phố Bạc Liêu đang lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa tìm được nhà đầu tư. Còn dự án nhà ở xã hội đường 23 tháng 8 ở Phường 8, thành phố Bạc Liêu có quy mô sử dụng đất khoảng 30 ha, hiện, cũng mới đang chuẩn bị các thủ tục, chưa biết đến khi nào mới có thể thực hiện được.

Một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án bị “tắc” kéo dài là công tác giải phóng mặt bằng và thu hồi đất để thực hiện các dự án nhà ở xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc… Công ty cổ phần Xây dựng Phúc Lộc Thọ là chủ đầu tư khu dân cư Hoài Phong (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi), được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt từ năm 2000. Đến nay, dự án này vẫn chưa triển khai thực hiện được.

Ông Nguyễn Hoài Phong, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Phúc Lộc Thọ cho biết đã nhiều lần đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Lợi sớm ban hành quy hoạch chi tiết 1/500 và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư nhằm tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, những kiến nghị của ông đến nay vẫn chưa được xem xét, giải quyết...

Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Quốc Ca cho biết, để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng của Chính phủ về nhà ở xã hội, trước hết, chủ đầu tư phải có dự án được phê duyệt. Để có dự án được phê duyệt thì phải có quy hoạch, có kế hoạch sử dụng đất phù hợp. Đồng thời, chủ đầu tư phải lập dự án được phê duyệt và kết nối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bạc Liêu là đầu mối để có kế hoạch phân bổ, hỗ trợ cho doanh nghiệp...

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, những quy định của Trung ương, nhất là của tỉnh và sự hướng dẫn của một số sở còn rất chung chung. Vì vậy, mặc dù các doanh nghiệp có tâm huyết, trách nhiệm, mong muốn góp sức thực hiện đề án về nhà ở xã hội cho hộ nghèo và người lao động, nhưng vẫn phải chờ đợi quy hoạch, chờ phê duyệt của cấp có thẩm quyền của tỉnh, nhưng không biết phải chờ đến khi nào.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Huỳnh Hữu Trí, thời gian qua, Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh rất quan tâm, tìm nhiều cách tháo gỡ khó khăn, triển khai thực hiện Đề án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh: chỉ đạo các sở, ngành liên quan, trực tiếp là Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, cần phối hợp tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội.

Ủy ban nhân dân tỉnh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội. Tỉnh sẽ ưu tiên dành nguồn ngân sách để hỗ trợ giải phóng mặt bằng; đầu tư đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh sẽ xem xét, xử lý nhanh chóng, kiên quyết không để những vướng mắc, bất cập và “tắc” kéo dài...

Sớm tháo gỡ vướng mắc trong xây dựng nhà ở xã hội tại Bạc Liêu ảnh 1

Đường vào khu nhà ở xã hội, dự án khu dân cư Thiên Long, thành phố Bạc Liêu hễ mưa là ngập nước. (Ảnh: CTV)

Trước mắt, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo tập trung đầu tư hai dự án nhà ở xã hội là loại nhà chung cư trên địa bàn thành phố Bạc Liêu. Cụ thể là dự án tại Phường 8, thành phố Bạc Liêu, có quy mô sử dụng đất khoảng 30 ha và thực hiện dự án thuộc quỹ đất 20% của dự án khu nhà ở mật độ cao tại khu vực ven biển thuộc các xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông.

Từ đây đến cuối năm 2024, tỉnh Bạc Liêu cố gắng có 200 căn trong kế hoạch 1.900 căn nhà ở xã hội theo chỉ tiêu của Trung ương giao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, từng bước đáp ứng nguyện vọng, sự mong đợi chính đáng của nhiều hộ nghèo đang có nhu cầu rất bức xúc về nhà ở...