Sớm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu

NDO - Sáng 25/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: CTV)
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: CTV)

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Công thương chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đông đảo đại diện các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp cùng đại diện các bộ, ngành.

Theo Bộ Công thương, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong các tháng đầu năm 2023 đã có dấu hiệu sụt giảm. Kim ngạch xuất khẩu quý 1/2023 chỉ đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so cùng kỳ năm 2022. Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm mạnh như: thủy sản, cao-su, dệt-may, giày-dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và sản phẩm điện tử, thép, hóa chất...

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp lớn đã phản ánh thực trạng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2023, nguyên nhân, nhận định tình hình trong thời gian tới và đề xuất, kiến nghị những giải pháp, hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Theo nhiều đại biểu, tổng cầu của thế giới, nhất là các thị trường chủ lực, đang là khó khăn và thách thức chính cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Những tháng gần đây, hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với nhiều sức ép do những biến động ngày càng phức tạp của căng thẳng địa chính trị và kinh tế trên thế giới.

Bên cạnh đó, giá nguyên-vật-nhiên liệu đầu vào, năng lượng và chi phí logistics, nhân công… vẫn tăng cao đã tác động đến chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Sớm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu ảnh 1

Đại diện một hiệp hội ngành hàng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: CTV)

Cùng với đó, tình hình lạm phát ở nhiều nước còn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt; xu hướng thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như: Mỹ, châu Âu… khiến nhu cầu nhập khẩu giảm; việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công thương đã trả lời, giải đáp một số vướng mắc, đề xuất, đề nghị của các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tổ chức các hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan chức năng của Bộ, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan để kết nối cung-cầu, tìm kiếm các đối tác, phát triển thị trường xuất khẩu còn tiềm năng.

Cùng với đó, Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ các hiệp hội ngành hàng đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường; tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…

Các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp tích cực nghiên cứu kỹ và vận dụng tối đa các chủ trương, chính sách, cơ chế của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế cũng như các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để duy trì, ổn định, củng cố và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp tích cực nghiên cứu kỹ và vận dụng tối đa các chủ trương, chính sách, cơ chế của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế cũng như các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để duy trì, ổn định, củng cố và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

Bộ trưởng cũng đề nghị các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần tiếp tục kiên trì bám sát khách hàng, bám sát thị trường, phản ứng linh hoạt với thị trường để tổ chức kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả; chú trọng phát triển các thị trường ngách để bù đắp phần sụt giảm đơn hàng; đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm…

Các hiệp hội ngành hàng cần phải tăng cường công tác phối hợp các đơn vị của Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật và chuyển tải các thông tin về nhu cầu thị trường, quy định, chính sách mới của các thị trường ngoài nước cho doanh nghiệp hội viên; chú trọng tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo về kỹ năng thâm nhập vào các thị trường mục tiêu và khai thác các cam kết ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do.

Các hiệp hội cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các rào cản kỹ thuật của các thị trường mới và các biện pháp phòng vệ thương mại; phối hợp đấu tranh trên mọi cấp độ, mọi diễn đàn đối với các biện pháp bảo hộ thương mại quá mức, không phù hợp với cam kết quốc tế…