Ngày 4/1, thực hiện chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Tăng cường phân quyền trong hoạt động đầu tư, đầu tư công và đầu tư theo phương thức PPP
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật hướng tới tăng cường phân quyền cho các địa phương trong hoạt động đầu tư, đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.
Đối với Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách Trung ương do Bộ, cơ quan Trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Bên cạnh đó, phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, cơ quan khác; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư để thực hiện phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
Ủy ban nhân dân cấp được phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
Quy định cụ thể trách nhiệm các chủ thể được phân quyền để bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn lực
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến các Ủy ban được phân công thẩm tra tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Đối với Luật Đầu tư công, Ủy ban Tài chính, Ngân sách (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung) đề nghị cần có quy định cụ thể về trách nhiệm các chủ thể được phân quyền trong việc bảo đảm tính hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tuân thủ, công khai, minh bạch khi tổ chức thực hiện.
Thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ việc thực hiện quy định tại Điều 62 Luật Đất đai về thẩm quyền thu hồi đất đối với dự án PPP có tổng mức đầu tư tương đương nhóm B, C sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nay được phân cấp, phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, để bảo đảm tính khả thi, tránh trường hợp phát sinh vướng mắc, có cách hiểu khác nhau sau khi thực hiện phân cấp, phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đối với Luật Đầu tư, Ủy ban Kinh tế (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung) cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương.
Đối với dự án đầu tư thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, để phân cấp cho địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và rút ngắn thời gian thực hiện dự án, nhưng không mâu thuẫn với Luật Di sản văn hóa và tránh các cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện, đa số ý kiến đề nghị quy định rõ theo hướng đây chỉ là các “dự án đầu tư được cho phép theo Luật Di sản văn hóa”; đồng thời bổ sung quy định cụ thể hơn về công tác giám sát và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thẩm định và chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo Tờ trình, dự án Luật cũng nhằm tháo gỡ một số khó khăn trong triển khai lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thuộc dự án có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; quá trình tổ chức thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh mạng; khuyến khích thu hút vốn, thực hiện tốt chính sách xã hội hóa đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích việc đầu tư sản xuất, nắm bắt cơ hội kịp thời để phát triển xe ô tô điện chạy pin thông qua giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 5 năm đầu kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành. |