“Cách đây không lâu, đang dọn dẹp trong nhà, tôi bỗng nghe một tiếng “ầm”, chạy ra nhìn thấy một bé gái khoảng 14 tuổi chạy xe đạp, mang theo cơm trưa cho bố mẹ đi làm rẫy bị té sấp, nằm lọt thỏm dưới ổ voi, đầu bị chảy máu rất nhiều. Nhiều người đi đường đã dừng lại băng vết thương cho cháu. May mà cháu bé không bị các thanh sắt đâm vào người”…, chị Ông Thị Xuân Hương, cư ngụ thôn La Chữ, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước bức xúc nói…
Trong 2 ngày 8 và 9/11, phóng viên Báo Nhân Dân cùng một số hộ dân đi thực địa tuyến đường đổ bê tông dài khoảng 3 km từ thôn Mông Đức đến thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) đã nhìn tận mắt nhiều đoạn đường bị hỏng nặng, mặt đường bê-tông bị cày xới nham nhở với nhiều ổ voi, ổ gà sâu hoắm. Có chỗ để lộ ra nhiều thanh sắt nhô lên khỏi mặt đường từ 2 - 3cm,… là nỗi ám ảnh về tai nạn giao thông bất cứ lúc nào đối với người dân khi đi lại trên tuyến đường này.
Đường bị hỏng nghiêm trọng như vậy, nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm lượt xe ô-tô trọng tải lớn chở vật tư, thiết bị siêu trường, siêu trọng chen lấn nhau chạy tốc độ cao trên đường. Khi trời nắng thì gây bụi mịt mù, còn trời mưa thì những ổ voi, ổ gà là những hố nước nguy hiểm, dễ làm cho người điều khiển xe gắn máy, học sinh đi xe đạp… bị lọt xuống hố nước, nguy hiểm đến tính mạng.
Chị Nguyễn Thị Trung ở thôn La Chữ kể: “Tháng trước, có một phụ nữ chở con bằng xe gắn máy đang chạy trên đường, khi nhìn thấy phía trước có một ổ voi rất lớn, sâu hơn 20 cm thì lúng túng không kịp xử lý, nên chiếc xe bị lọt xuống, 2 mẹ con bị trầy xước khắp thân thể, tôi và nhiều người dân dìu họ vào nhà băng vết thương rồi đưa đến trạm xá chữa trị”.
Đoạn đường bị hỏng nặng trước nhà chị Trung kéo dài hơn trăm mét, chằng chịt ổ gà, ổ voi. Chị Trung cho biết thêm, đã chứng kiến rất nhiều người đi đường bị té xuống các hố sâu khi tránh xe ô-tô chạy ngược chiều hoặc tránh các xe có tải trọng lớn, chở vật tư, thiết bị chạy tốc độ cao qua đoạn đường này.
Từ chỗ chứng kiến nhiều người bị tai nạn, chị Trung đã bỏ tiền mua một ít dụng cụ y tế cá nhân để sẵn trong nhà để khi có người bị tai nạn là chị giúp sơ cứu ngay rồi đưa người bị nạn đến trạm y tế để chữa trị.
Anh Nguyễn Trường Vinh, Trưởng thôn La Chữ cho biết, hơn 2 năm qua, các Công ty cổ phần điện gió Phước Hữu, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang, Công ty cổ phần BP Solar, Công ty cổ phần tái tạo và nông nghiệp Ninh Thuận, Công ty TNHH Sinenergy Holding, Công ty TNHH Năng Lượng mặt trời TT.SungLim, Công ty TNHH Hưng Tín… đồng loạt triển khai xây dựng các dự án điện gió và điện mặt trời. Do thường xuyên có nhiều xe ô-tô có tải trọng lớn chở vật tư, thiết bị quá khổ, quá tải để thi công phục vụ dự án lưu thông trên tuyến đường, đã làm cho đường bị hỏng nghiêm trọng, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông.
Anh Nguyễn Trường Vinh cho biết thêm, ban đầu, các chủ đầu tư có bố trí xe phun nước để giảm bụi đường, nhưng chỉ có vài công ty thể hiện trách nhiệm với dân, số còn lại thì thờ ơ, riết rồi không còn công ty nào bố trí xe phun nước, nên mỗi lần xe ô-tô tải trọng lớn chạy tốc độ cao trên đường, thì cả con đường bụi mịt mù. Hàng trăm hộ dân sống hai bên đường đã nhiều lần ra chặn không cho xe lưu thông vào giờ ăn cơm trưa hay chiều, vì khi xe ô-tô có tải trọng lớn chạy tốc độ cao, khiến bụi bay thốc vào nhà, mâm cơm đầy bụi bặm, không thể ăn được.
Trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước Bạch Văn Nguyên, được biết, tuy khó khăn về kinh phí, nhưng năm 2019, đã huy động nguồn ngân sách huyện khoảng 7 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp đoạn đường từ thôn Phú Quý đi thôn Mông Đức nhằm giải quyết bức xúc của nhân dân cũng như tạo điều kiện cho các chủ đầu tư vận chuyển vật tư xây dựng hoàn thành và đưa dự án vào vận hành. Đến nay, tuyến đường từ Mông Đức đi Hậu Sanh tiếp tục bị hỏng ngày càng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông, mặc dù huyện có duy tu, bảo trì nhưng vẫn không bảo đảm khả năng chịu tải so với tần suất xe ô-tô tải trọng lớn, chở vật tư, thiết bị phục vụ các dự án năng lượng tái tạo lưu thông mỗi ngày hàng trăm lượt.
Huyện Ninh Phước đã lập hồ sơ thiết kế, dự toán kinh phí hơn 9 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp tuyến đường này với chiều dài hơn 4,3 km. Do khó khăn nguồn vốn ngân sách nhà nước, huyện đã 2 lần mời lãnh đạo Sở Giao thông vận tải và các chủ đầu tư dự án năng lượng làm việc. Qua đó, các chủ đầu tư đã thống nhất sẽ đóng góp kinh phí để sửa chữa, nâng cấp tuyến đường, căn cứ theo tỷ lệ công suất nhà máy của từng nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đến nay, dù huyện đã liên tục 3 lần gửi văn bản đến 8 chủ đầu tư nhắc nhở thực hiện như cam kết, nhưng chỉ có Công ty Trungnam đóng góp kinh phí, còn lại 7 nhà đầu tư không thực hiện như cam kết.
Từ những bức xúc của chính quyền và người dân, đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận sớm yêu cầu các nhà đầu tư đóng góp kinh phí sửa chữa, làm lại con đường để bảo đảm an toàn giao thông cho bà con khi lưu thông. Đây là tuyến giao thông huyết mạch liên thôn, liên xã giữa hai huyện Ninh Phước và Thuận Nam, đường bị hỏng nặng, không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển, sản xuất, mà còn ảnh hưởng rất lớn khi đánh giá đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương…