Việc giao đất không đúng thẩm quyền, không tổ chức đánh giá việc sử dụng đất đối với Trung tâm Đầu tư liên doanh và nuôi trồng thuộc Công ty Xuất khẩu thủy sản Việt Nam để trình Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý thuộc về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện Duyên Hải vào thời điểm giao đất, hết hạn thỏa thuận đã để lại hậu quả đáng tiếc về môi trường, xã hội tại khu đất Nông trường Giồng Sọ...
Buông lỏng quản lý đất đai
Tháng 1/1988, Ủy ban nhân dân huyện Duyên Hải, tỉnh Cửu Long (tháng 5/1992, tỉnh Cửu Long được chia tách thành hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh) có quyết định giao Nông trường quốc doanh nuôi tôm Giồng Sọ cho Trung tâm Đầu tư liên doanh và nuôi trồng thuộc Công ty Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Bộ Thủy sản để xây dựng Trại nuôi tôm thực nghiệm Duyên Hải. Thời gian đầu, Trung tâm Đầu tư liên doanh và nuôi trồng đào kênh, ao nuôi, đắp bờ bao. Đến năm 1991, sản xuất kém hiệu quả, trại nuôi tôm cho thuê ao nuôi, trong đó ưu tiên các hộ dân tự khai phá đất rừng khai thác thủy sản trước đây.
Theo hợp đồng kinh tế về việc tạm thời giao khoán đất nuôi tôm cho công nhân và các tài liệu liên quan, ao nuôi khoán cho hộ dân với hình thức quảng canh, có diện tích 5ha, thời hạn 3 năm, khi hết hạn sẽ ký lại hợp đồng khác. Ngày 16/1/2006, Công ty Nuôi trồng thủy sản có giấy ủy quyền số 04/NTTS-UQ ủy quyền cho ông Dương Thanh Thủy, Trưởng Trại nuôi tôm thực nghiệm Giồng Sọ. Hộ dân nhận khoán theo hình thức tăng sản với diện tích 1,5ha/hộ, danh sách hộ do ông Thủy lập ngày 5/3/2013. Theo ông Thủy, Công ty Nuôi trồng thủy sản đã giải thể, ngừng hoạt động.
Ủy ban nhân dân huyện Duyên Hải chấp thuận cho Trung tâm Đầu tư liên doanh và nuôi trồng sử dụng đất từ 8 đến 10 năm; yêu cầu đơn vị được giao đất bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, đúng luận chứng kỹ thuật được phê duyệt. Trại nuôi tôm thực nghiệm Duyên Hải hợp đồng giao khoán đất cho hộ dân là không đúng với thỏa thuận ký kết. Ở thời điểm từ năm 1996 đến năm 1998, Ủy ban nhân dân huyện Duyên Hải cũ (nay huyện Duyên Hải được tách ra thành huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải) không tổ chức đánh giá việc sử dụng đất để trình Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh xử lý theo quy định tại Điều 24, Luật Đất đai năm 1993.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh lập đoàn kiểm tra việc sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trong đất Nông trường Giồng Sọ. Qua rà soát, có 59 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất Nông trường Giồng Sọ. Trong đó, có 16 trường hợp người đứng tên nhận khoán tiếp tục sử dụng; 29 trường hợp nhận tặng cho, thừa kế từ người nhận khoán; 14 trường hợp nhận chuyển nhượng từ người nhận khoán với giá trị hơn 10,3 tỷ đồng.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh, việc tiếp tục sử dụng đất của Trại nuôi tôm thực nghiệm Duyên Hải là trường hợp sử dụng đất không hợp pháp, tỉnh Trà Vinh có đủ căn cứ thu hồi đất theo điểm a, khoản 1, Điều 65, Luật Đất đai năm 2013. Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh cũng đã có văn bản gửi Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến để tỉnh quản lý lại phần đất Nông trường Giồng Sọ. Trường hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có văn bản cho ý kiến thì áp dụng điểm d, khoản 1, Điều 65, Luật Đất đai năm 2013 để thu hồi đất.
Việc giao đất không đúng thẩm quyền diễn ra từ rất lâu, đến nay, các cá nhân liên quan đã nghỉ hưu, cao tuổi, một số đã chết, do vậy, các sở, ngành kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Duyên Hải tổ chức họp các cơ quan chuyên môn có liên quan và Ủy ban nhân dân hai xã Long Khánh, Đông Hải để rút kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai...
Tạo sinh kế bền vững cho người dân
Theo Quyết định số 2474/QĐ-UBND ngày 1/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của huyện Duyên Hải; Quyết định số 60/QĐ-UBND ngày 11/1/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 huyện Duyên Hải, đất Nông trường Giồng Sọ có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cụ thể: Thửa đất số 71, tờ bản đồ số 12, diện tích 882.079,9m2; nằm tại ấp Đình Cũ, xã Long Khánh, được xác định gồm: đất nuôi trồng thủy sản khoảng 502.575,4 m2, đất rừng phòng hộ khoảng 379.504,5m2; thửa đất số 1, diện tích 371.438m2 và thửa đất số 2, diện tích 445.862m2, cùng tờ bản đồ số 15, tọa lạc tại ấp Cồn Cù, xã Dân Thành, nay xã Đông Hải là đất nuôi trồng thủy sản.
Ông Mai Văn Dững, sinh 1965, ngụ ấp Đình Cũ, xã Long Khánh cho biết, cha ông là ông Mai Văn Kỉnh trước đây tự khai phá 10ha đất rừng để khai thác thủy, hải sản. Khi huyện Duyên Hải thành lập Nông trường Giồng Sọ, ông Kỉnh giao đất và đi làm thuê kiếm sống tại tỉnh Cà Mau. Năm 1991, ông Kỉnh được giao khoán 5ha đất nuôi tôm quảng canh. Ông Kỉnh đã mất, ông Dững tiếp tục sử dụng 5ha đất nuôi tôm. Ba năm trước, ông Dững đầu tư hơn 300 triệu đồng hạ thế điện, nuôi tôm công nghiệp. Với hai ao tôm lót bạt diện tích 1.600m2, ông Dững thu hoạch được hơn 15 tấn tôm thương phẩm vụ nuôi năm 2022, lợi nhuận hơn 500 triệu đồng.
Anh Mai Văn Trung, con trai ông Dững đã cưới vợ, sinh con và được ông Dững chia 2ha đất nuôi tôm. Đến nay, anh Trung đầu tư hơn 1 tỷ đồng thuê xe đào sáu ao lót bạt, nuôi tôm công nghiệp.
Anh Lê Thanh Tùng (ấp Cồn Cù, xã Đông Hải) cho biết, gia đình anh được ông ngoại anh ủy quyền cho sử dụng 1,5ha đất nuôi tôm quảng canh, cất nhà sinh sống tại khu đất Nông trường Giồng Sọ hơn 20 năm qua. Bốn hộ dân sống cạnh gia đình anh Tùng đã góp tiền hơn 1 tỷ đồng kéo điện, rải đá làm đường tới tận nhà. Nhiều năm tích lũy vốn, gia đình anh Tùng đầu tư gần 1 tỷ đồng đào ao, lót bạt nuôi tôm công nghiệp. Nhờ vậy, gia đình anh Tùng đủ tiền nuôi hai con ăn học...
Thực tế, nhiều hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất Nông trường Giồng Sọ lâu dài và đã đầu tư nhiều công sức, tiền vốn vào nuôi trồng thủy sản. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh đề xuất cần tạo điều kiện để người dân có đất tiếp tục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Theo quy định của pháp luật, việc trao quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân đối với trường hợp đang xem xét có thể thực hiện một trong ba phương án. Theo đó, phương án 1 là công nhận quyền sử dụng đất thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phương án 2, giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối theo quy định tại khoản 1, Điều 54, Luật Đất đai năm 2013. Phương án 3, cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 56, Luật Đất đai năm 2013 (khi cho thuê đất phải đấu giá theo quy định tại khoản 1, Điều 118, Luật Đất đai năm 2013).
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh đề xuất tỉnh chọn phương án 3 và có xem xét đến thực tế sử dụng đất. Quỹ đất sau khi thu hồi, giao Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý thì cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê theo hình thức cho thuê đất thu tiền hằng năm, không đấu giá khi cho thuê nhằm ổn định tình hình an ninh, trật tự địa phương; thời gian thuê đất từ 3 đến 5 năm.
Trong thời gian này, Ủy ban nhân dân huyện Duyên Hải xem xét việc sử dụng đất của từng hộ gia đình, cá nhân để xác định các trường hợp đủ điều kiện giao đất nông nghiệp trong hạn mức, các trường hợp cho thuê đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, trên cơ sở đó báo cáo để Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét.