Sớm khắc phục những bất cập tại 2 thủy điện ở Sơn La

NDO - Theo phản ánh của người dân, từ năm 2019 đến nay, thủy điện vẫn chưa thực hiện xong bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, chưa triển khai thi công hạ tầng tại điểm tái định cư và khắc phục những bất cập…
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực người dân phản ánh bị ngập hoa màu tại bản Nà Nôm, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu là do thủy điện.
Khu vực người dân phản ánh bị ngập hoa màu tại bản Nà Nôm, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu là do thủy điện.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Thuận Châu, trên địa bàn huyện có 4 dự án thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, giao cho chủ đầu tư đã và đang triển khai đầu tư xây dựng, vận hành. Trong đó, tại các bản thuộc xã Long Hẹ và Mường Bám của huyện Thuận Châu hiện đang có 2 thủy điện Nậm Hóa 1 và Nậm Hóa 2 của Công ty cổ phần đầu tư thủy điện Anpha.

Dự án thủy điện Nậm Hóa 1 có công suất lắp máy là 18 MW, khởi công xây dựng vào quý IV/2012. Tuy nhiên, đến nay dự án thủy điện Nậm Hóa 1 vẫn chưa vận hành.

Dự án thủy điện Nậm Hóa 2 có công suất lắp máy là 8 MW, được khởi công xây dựng vào quý I/2011 và đã hoàn thành phát điện từ quý IV/2016 cho đến nay.

Nỗi lo khi tích nước và mưa lũ

Theo phản ánh của cấp ủy, chính quyền xã, bản và người dân sinh sống phía trên và dưới 2 dự án thủy điện Nậm Hóa 1 và Nậm Hóa 2, cho biết: Nhiều năm nay, mỗi khi đến mùa mưa lũ là nhiều hộ dân bị ngập nước vào nhà, hoa màu thì mất trắng, hai bên bờ suối thường xuyên bị sạt, lở, ảnh hưởng vào đất ở và đất sản xuất của người dân. Xã, bản và người dân đã kiến nghị rất nhiều, thậm chí còn khiếu kiện tập thể nhưng vẫn chưa được giải quyết…?

Một số hình ảnh khu vực bị ảnh hưởng hoa màu tại bản Nà Nôm, xã Long Hẹ, Thuận Châu, Sơn La.

Tìm về bản Nà Nôm, xã Long Hẹ, nơi có 71 hộ thì hơn 50% số hộ có hoa màu, cây trồng phía lòng hồ thủy điện Nậm Hóa 1 bị ảnh hưởng, mất trắng. Cũng do đang mùa mưa lũ, cầu tràn phía hạ lưu thủy điện Nậm Hóa 1 bị ngập nước nên chúng tôi không đi qua được, đành phải theo hướng dẫn của người dân là trèo qua tường, rào phía trên mặt đập, rồi ngược núi đi lên phía trên và tiếp tục di chuyển nhờ bằng xe gắn máy của người dân để vào trong bản trên con đường chỉ được vào mùa khô…

Gần 12 giờ trưa, có mặt ở đầu bản Nà Nôm và cũng là khu vực có ruộng nước bị ngập nặng nhất. Từ xa đã thấy anh Quàng Văn Thương, Bí thư kiêm Trưởng bản Nà Nôm, xã Long Hẹ cùng một số người trong Ban quản lý bản đã chờ sẵn ở đó.

Sớm khắc phục những bất cập tại 2 thủy điện ở Sơn La ảnh 1 Sớm khắc phục những bất cập tại 2 thủy điện ở Sơn La ảnh 2

Khu vực canh tác lúa 2 vụ của các hộ bản Nà Nôm ngập đầy bùn đất. Muốn canh tác cho vụ sau phải cải tạo lại đất.

Đưa chúng tôi di chuyển xuống phía khu vực canh tác ruộng nước của các hộ dân trong bản, anh Quàng Văn Thương, bảo: Phía dưới những khu vực bị đất, phù sa bồi đắp này đều là ruộng lúa 2 vụ của các hộ trong bản. Năm nào cũng thế, cứ cải tạo đất xong rồi trồng lúa là lại bị ngập. Như vụ này có 48 hộ có ruộng nước bị ngập và mất trắng với diện tích hơn 3ha. Cuối tháng 6 vừa rồi bà con định kéo ra ngoài thủy điện để tiếp tục kiến nghị nhưng cán bộ xã, bản đã tuyên truyền, vận động được nên các hộ không kéo ra nữa, mà làm đơn tập thể gửi ra xã…

Ông Quàng Văn Anh, 82 tuổi, bản Nà Nôm, nói: Từ khi xây dựng thủy điện, nhiều hộ dân phải tái định cư và hoa màu thì năm nào cũng bị ngập, mất trắng. Từ năm 2019 đến nay, những thiệt hại về hoa màu, lúa do nước ngập vẫn chưa được hỗ trợ, đền bù. Như gia đình tôi bị ngập cuối tháng 5 vừa rồi, đợi nước rút cải tạo lại đất, trồng mới lúa nhưng đến cuối tháng 6 lại bị ngập hết. Muốn trồng lại vụ tới thì phải cải tạo lại đất và chờ tiếp đến tháng 12 làm vụ chiêm xuân.

Sớm khắc phục những bất cập tại 2 thủy điện ở Sơn La ảnh 4 Sớm khắc phục những bất cập tại 2 thủy điện ở Sơn La ảnh 5

Hai bên bờ suối chạy qua các bản của xã Long Hẹ, Mường Bám, huyện Thuận Châu bị sạt lở.

Không chỉ gây ngập, ảnh hưởng hoa màu của người dân, theo phản ánh của người dân, thủy điện Nậm Hóa 2 còn gây ngập vào nhà người dân, mỗi năm đều gây sạt, lở hai bên bờ suối do tích nước và xả nước.

Dẫn chúng tôi ra xem những khu vực nước ngập, ảnh hưởng đến nhà các hộ dân trong bản, anh Quàng Văn Siểng, Bí thư kiêm Trưởng bản Nà Pa, xã Mường Bám, bảo: Từ khi có thủy điện, nước mới gây ngập úng như vậy. Nước còn tràn vào cả nhà của các hộ dân cao gần 50 cm, gây ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng tới sinh hoạt. Bản cũng đã kiến nghị rất nhiều trong mấy năm nay rồi nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Qua tìm hiểu, trao đổi với lãnh đạo xã Mường Bám, bản Nà Pa và người dân nơi đây, được biết: Kiến nghị của người dân đã kéo dài qua 2 đời Bí thư huyện ủy và nay đã là đồng chí Bí thư thứ 3 về nhận nhiệm vụ tại huyện Thuận Châu. Mấy năm trước các đồng chí Bí thư Huyện ủy tổ chức họp đối thoại với người dân để tìm hướng giải quyết…, nhưng đến nay vẫn chưa được phía Công ty cổ phần đầu tư thủy điện Anpha giải quyết.

Sớm khắc phục những bất cập tại 2 thủy điện ở Sơn La ảnh 6

Theo phản ánh của xã, bản, người dân: Từ năm 2019 đến nay đã kiến nghị nhiều lần nhưng phía Công ty cổ phần đầu tư thủy điện Anpha vẫn chưa hỗ trợ, đền bù thiệt hại về hoa màu.

Anh Quàng Văn Siểng, thông tin thêm: Các hộ dân cũng đã kiến nghị với bản, bản cũng chỉ biết kiến nghị lên xã và thủy điện, cũng không biết phải làm như thế nào. Như nhà tôi cũng nằm trong diện bị ngập nước vào nhà. Mỗi lần nước tràn vào lại phải kê đồ lên. Nước ngập ngoài rác, còn có cả xác gia súc, gia cầm chết. Ngoài lo về ô nhiễm môi trường sống, chúng tôi lo nhất là an toàn về điện khi nước tràn vào nhà. Hiện bản có 8 hộ nằm trong diện muốn được tái định cư đi chỗ khác do nước ngập…

Chưa thực hiện đúng cam kết

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo xã Long Hẹ, được biết: Năm nào xã cũng nhận được đơn kiến nghị, ý kiến phán ánh của các hộ dân ở bản Nà Nôm về tình trạng nước trên lòng hồ thủy điện Nậm Hóa 1 gây ngập úng hoa màu, cây trồng của các hộ dân. Năm nay, lại tiếp tục nhận được đơn kiến nghị tập thể của gần 40 hộ đề nghị phía thủy điện đền bù thiệt hại hoa màu từ năm 2019 đến nay.

Được biết, ngoài những phản ánh, kiến nghị của người dân tại bản Nà Nôm, năm nào xã Long Hẹ cũng có văn bản, kiến nghị gửi ra huyện để báo cáo tình hình, thống kê thiệt hại về hoa màu, cây trồng; làm việc với phía Công ty cổ phần đầu tư thủy điện Anpha để xem xét kiến nghị của người dân nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Sớm khắc phục những bất cập tại 2 thủy điện ở Sơn La ảnh 7 Sớm khắc phục những bất cập tại 2 thủy điện ở Sơn La ảnh 8

Nhà của bà Lò Thị Tươi, 1 trong 8 hộ bản Nà Pa, xã Mường Bám bị nước dâng ngập tràn vào nhà cao gần 50cm.

Cũng như xã Long Hẹ, năm nào xã Mường Bám cũng nhận được phản ánh của người dân, nhất là các hộ bị nước ngập vào nhà tại bản Nà Pa. Với trách nhiệm của mình, xã Mường Bám cũng chỉ biết làm văn bản gửi cho huyện và phía Công ty cổ phần đầu tư thủy điện Anpha xem xét giải quyết.

Lãnh đạo xã Mường Bám, thông tin: Gần đây nhất là ngày 16/7, xã đã có báo cáo về việc 8 hộ dân bản Nà Pa, 1 hộ bản Pá Chóng và 14 hộ dân tại mỏ đá Pá Sàng kiến nghị do thủy điện Nậm Hóa 2 tích nước gây ngập úng hoa màu, ảnh hưởng đến nhà cửa và mỏ đá ảnh hưởng đến hoa màu, đề nghị có giải pháp hỗ trợ các hộ ổn định cuộc sống.

Tại cuộc làm việc với phóng viên, lãnh đạo xã Mường Bám, cho biết: Đại diện phía Công ty cổ phần đầu tư thủy điện Anpha cho rằng các hộ bị ảnh hưởng nhà ở đề nghị hỗ trợ di chuyển tái định cư nằm ngoài mốc giải phóng mặt bằng của thủy điện, nằm trong khu vực hành lang bảo vệ nên không có cơ sở đền bù, chỉ hỗ trợ khắc phục từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/hộ.

Sớm khắc phục những bất cập tại 2 thủy điện ở Sơn La ảnh 9

Sau khi nước rút do thủy điện xả nước, một lượng lớn bùn đất còn lại tại các khu vực trồng lúa, hoa màu của người dân các bản xã Long Hẹ, Mường Bám.

Xã cũng đã đề nghị phía thủy điện cam kết việc vận hành nhà máy phải bảo đảm không để tình trạng thường xuyên bị ngập như các ngày tích nước vừa qua và đề nghị việc hỗ trợ ít nhất mỗi hộ phải 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng để di dời khẩn cấp thiên tai. Riêng hộ gia đình ông Lò Văn En tại bản Pá Chóng đề nghị đền bù theo quy định cho hộ di dời khỏi vùng lòng hồ để bảo đảm an toàn…

Đối với các hộ dân bị ảnh hưởng nông nghiệp tại mỏ đá Pá Sàng, hiện tại phía Công ty cổ phần đầu tư thủy điện Anpha và các hộ dân vẫn chưa thống nhất được với nhau về mức hỗ trợ.

Làm việc với lãnh đạo huyện Thuận Châu, được biết: Phía huyện đã có nhiều văn bản kiến nghị gửi cho tỉnh Sơn La và các sở, ngành liên quan để tìm hướng giải quyết theo đúng quy định cho người dân. Tỉnh và một số sở, ngành cũng đã có văn bản đề nghị phía Công ty cổ phần đầu tư thủy điện Anpha thực hiện theo đúng những cam kết với người dân, bồi thường hỗ trợ cho 8 hộ bản Nà Pa và 1 hộ bản Pá Chóng do bị ngập nước vào nhà.

Sớm khắc phục những bất cập tại 2 thủy điện ở Sơn La ảnh 11

Các hộ đồng bào Khơ Mú bản tái định cư Căm Cặn di chuyển nhường đất cho thủy điện Nậm Hóa 1 từ năm 2019, nhưng đến nay phía thủy điện vẫn chưa thi công xong hạ tầng theo cam kết cho người dân.

Trong Báo cáo số 703/BC-UBND ngày 27/6/2024 của Ủy ban nhân dân huyện Thuận Châu đã nêu rõ những tồn tại, hạn chế của Công ty cổ phần đầu tư thủy điện Anpha cần phải khắc phục, như: Thủy điện Nậm Hóa 1 chưa lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động hạ du, quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa; chưa thống nhất với Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân các xã trong việc lắp đặt hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ vùng hạ du.

Công ty cổ phần đầu tư thủy điện Anpha chưa thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, chưa triển khai thi công xong hạ tầng điểm tái định cư bản Căm Cặn, xã Mường Bám, như nước sinh hoạt, đường giao thông đến điểm tái định cư và giao thông nội bộ, nhà văn hóa…

Sớm khắc phục những bất cập tại 2 thủy điện ở Sơn La ảnh 12 Sớm khắc phục những bất cập tại 2 thủy điện ở Sơn La ảnh 13

Người dân phản ánh mỗi lần thủy điện tích nước là xảy ra ngập úng hoa màu và nhà cửa.

Đối với thủy điện Nậm Hóa 2, dù đã đưa vào vận hành từ năm 2016 nhưng tại thời điểm kiểm tra của Sở Công thương vào ngày 12/6/2024 vẫn chưa thực hiện lắp đặt hệ thống giám sát vận hành bằng camera đối với thông số lưu lượng xả qua tràn và xả qua nhà máy, xả dòng tối thiểu.

Chưa sửa chữa, thay thế hệ thống cảnh báo an toàn đập, vùng hạ du đập thủy điện và thống nhất với xã Mường Bám việc lắp đặt cảnh báo theo quy định tại Điều 9, Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 8/7/2019 của Bộ Công thương về lắp đặt hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ.

Thủy điện Nậm Hóa 2 cũng chưa lập điều chỉnh phương án bảo về đập, hồ chứa thủy điện theo Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 8/7/2019 trình Ủy ban nhân dân huyện Thuận Châu phê duyệt; chưa lập, trình Ủy ban nhân dân huyện Thuận Châu phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập thủy điện…

Sớm khắc phục những bất cập tại 2 thủy điện ở Sơn La ảnh 14

Tháng 6/2024, nhiều hộ dân tại bản Nà Nôm, xã Long Hẹ đã phải cải tạo ruộng lại lần 2 để trồng lúa nhưng sau đó vẫn bị ngập và mất trắng.

Trước những vướng mắc, tồn tại cùng những kiến nghị trong nhiều năm qua của các hộ dân thuộc hai xã Long Hẹ và Mường Bám bị ảnh hưởng bởi 2 thủy điện Nậm Hóa 1 và 2, Ủy ban nhân dân huyện Thuận Châu cũng đã có các văn bản đề xuất, kiến nghị với các Sở Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La.

Nội dung đề xuất, kiến nghị đối với các sở là tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến công tác đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Sơn La theo chức năng được giao.

Ủy ban nhân dân huyện Thuận Châu cũng có văn bản đề nghị chủ đầu tư dự án thủy điện thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý an toàn hồ đập trong quá trình quản lý vận hành, khai thác công trình thủy điện và khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế, thiếu sót đang diễn ra; chấp hành, thực hiện nghiêm túc các kết luận của các đoàn kiểm tra của tỉnh Sơn La và huyện Thuận Châu đã ban hành từ tháng 9/2023…