Sớm đầu tư nâng cấp, mở tuyến đường Tây Sơn - Na Ngoi

NDO -

Với tầm quan trọng kết nối từ trung tâm huyện sang phía biên giới Tây Nam để huyện rẻo cao Kỳ Sơn khai thác tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội, góp phần củng cố an ninh, quốc phòng, rất cần sự quan tâm của Trung ương và tỉnh Nghệ An hỗ trợ kinh phí nâng cấp đầu tư xây dựng tuyến đường từ thị trấn Mường Xén lên bản Huồi Giáng 3, xã Tây Sơn đến bản Thắm Hón, xã Na Ngoi. 

Đường từ bản Huồi Giáng 3 sang bản Thắm Hón vốn là đường mòn người dân đi thăm thân và sản xuất nương rẫy.
Đường từ bản Huồi Giáng 3 sang bản Thắm Hón vốn là đường mòn người dân đi thăm thân và sản xuất nương rẫy.

Ngày trước, từ trung tâm huyện muốn đến xã Na Ngoi, một nửa phải đi vòng theo hình cánh cung dọc theo Quốc lộ 7A xuống xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương theo con đường độc đạo qua xã Nậm Càn ngược lên, hoặc từ xã Tà Cạ vào rồi qua các xã Mường Típ, Mường Ải vòng xuống. Có một tuyến đường đi tắt truyền thống từ bản Huồi Giáng 3, xã Tây Sơn sang bản Thắm Hón, bản Tằng Phăn, xã Na Ngoi rồi kết nối với tuyến đường vành đai Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền, vốn là đường mòn của người dân thường đi thăm thân anh em và sản xuất nương rẫy. Do vùng biên giới hiểm trở, chủ yếu bà con dân tộc H'Mông sinh sống, giao thông khó khăn, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ đói nghèo và mù chữ còn cao so các địa phương khác. Vì thế, đây cũng là địa điểm mà kẻ xấu hay lợi dụng để kích động người dân chống lại chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và truyền đạo trái phép…

Theo khảo sát của cơ quan chức năng huyện Kỳ Sơn, tuyến đường này dài khoảng 13 km, chủ yếu là đường dân sinh do nhân dân tự đào đắp nên mặt đường đất khá nhỏ hẹp, chỉ rộng từ 1,5 đến 2,5 m. Đường dốc, nền đường lại bị xói lở nhiều do mưa lũ nên chủ yếu chỉ đi bộ, còn lưu thông bằng xe máy rất khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn Vừ Bá Rê cho biết: Do tuyến đường vào xã Tây Sơn là đường cụt nên việc đi lại cực kỳ khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Nhiều hàng nông sản do bà con làm ra rất khó tiêu thụ. Được biết, sản lượng gừng do bà con ở xã Na Ngoi và xã Tây Sơn sản xuất chiếm gần 1/3 sản lượng của cả huyện Kỳ Sơn. Nhưng do không có đường ô-tô vào nên việc thu hoạch, vận chuyển gừng và các loại nông sản đi tiêu thụ, người dân chủ yếu gùi trên lưng. Vì vậy, giá nông sản trồng ở những bản này khó cạnh tranh với các địa phương khác.

Sớm đầu tư nâng cấp, mở tuyến đường Tây Sơn – Na Ngoi -0
Đoạn qua các bản được mở rộng nhưng cũng chủ yếu đường đất hay rải cấp phối. 

Ông Xồng Bá Lẩu, ở bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, trồng 1,5 ha gừng cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Theo ông Xồng Bá Lẩu: Biết là trồng gừng cho thu nhập cao nhưng do không có đường giao thông đi lại thuận tiện nên cũng như một số gia đình khác, tôi không dám mở rộng diện tích vì thu hoạch hàng chục tấn sản phẩm mà cứ phải gùi và thồ bằng xe máy rất vất vả. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân tư thương lợi dụng để ép giá...

Sớm đầu tư nâng cấp, mở tuyến đường Tây Sơn – Na Ngoi -0

Cũng do khó khăn về giao thông, nên việc vận chuyển vật liệu xây dựng vào các bản để xây dựng hạ tầng, làm nhà ở, việc đi lại của giáo viên, học sinh, đưa người ốm đi bệnh viện và các sinh hoạt khác của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn... Chính vì thế, vùng đất này rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế hàng hóa và du lịch (du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm đỉnh núi Puxailaileng có độ cao hơn 2.700 m) chưa được phát huy.

Do chưa có đường giao thông lại thuộc diện vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn nên trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, Hội đồng Bầu cử quốc gia cho phép các bản này được đi bỏ phiếu bầu cử sớm vào ngày 21-5 tới đây.

Sớm đầu tư nâng cấp, mở tuyến đường Tây Sơn – Na Ngoi -0
 Do không có đường nên bà con phải gùi hàng hóa nông sản trên vai.

Để từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nhanh việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng, cải thiện sinh kế bền vững thông qua sản xuất nông nghiệp đa dạng, giảm sự phụ thuộc vào rừng; giảm thiểu tai nạn giao thông cũng như bảo đảm an ninh - chính trị vùng biên giới… rất cần sự quan tâm của tỉnh để sớm đầu tư khai thông tuyến và rải nhựa con đường này.

Tuyến giao thông từ bản Huồi Giáng 3, xã Tây Sơn đi bản Thắm Hón xã Na Ngoi hoàn thành sẽ xóa đường cụt vào Tây Sơn để thông sang các xã Na Ngoi, Mường Ải, Mường Típ thoát cảnh “gần nhà mà xa ngõ” của các địa phương; đồng thời, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của hàng trăm hộ đồng bào nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế hàng hóa tập trung, giảm dần sự phụ thuộc vào rừng. Tuyến đường hoàn thành không chỉ  kết nối các xã Na Ngoi, Tây Sơn với trung tâm huyện mà còn tạo động  lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh khu vực cho huyện biên giới Kỳ Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh đề xuất.