Tham dự Hội nghị, có đại diện Văn phòng Quốc Hội, Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố...
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, ngày 18/1/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15), gồm 16 chương với 260 điều.
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những thay đổi mới về chính sách, pháp luật đất theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh phát biểu ý kiến tại Hội nghị. |
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan soạn thảo được đánh giá chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu, qua nhiều vòng, nhiều bước được trình Quốc hội cho ý kiến tại bốn kỳ họp. Điều đó cho thấy, tinh thần cẩn trọng của các cơ quan trong hoạt động luật pháp như đề cao chất lượng và hiệu quả; quá trình xây dựng dự án Luật thể hiện ý chí thống nhất cao từ trung ương đến địa phương; sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, ban, bộ, ngành trung ương, địa phương và các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng đã thu hút được hơn 12 triệu lượt ý kiến đóng góp của nhân dân.
Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chính sách đất đai đối với người dân tộc thiểu số...
Ngày 5/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 222/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15, trong đó giao trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành có liên quan và các địa phương trong việc tổ chức triển khai, thi hành Luật Đất đai.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, với sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương, Luật Đất đai sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng, từ bước thực hiện hóa mục tiêu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước đã đề ra; kịp thời đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.
Giới thiệu về Luật Đất đai năm 2024, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, quan điểm xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai. Bảo đảm kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn; bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai với các pháp luật có liên quan; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng, không gian sử dụng.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân giới thiệu Luật Đất đai năm 2024 |
Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai; tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội các cấp và nhân dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững; hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác quản lý đất đai dựa trên hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.
Luật Đất đai năm 2024, gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều.
Đáng chú ý, Luật Đất đai năm 2024 đã những điểm mới đã bám sát Nghị quyết 18 của Trung ương và được cụ thể hóa như: Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; bổ sung quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền lựa chọn của đơn vị sự nghiệp công lập; quy định về nhận chuyển nhượng đất lúa; chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận, giá đất…
Ngoài ra, Luật Đất đai năm 2024, đã làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai; phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai; phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương; trách nhiệm và những đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản pháp lý có liên quan để luật sớm đi vào cuộc sống; Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổ công tác hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 cho các tỉnh, thành phố trên cả nước; hỗ trợ nguồn kinh phí phục vụ cho công tác đo địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại các địa phương; tổ chức tập huấn, phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Luật Đất đai đến mọi tầng lớp nhân dân để luật sớm đi vào cuộc sống và phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng Bằng khen cho 2 đơn vị và 58 cá nhân trong và ngoài ngành đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5.