Sớm bồi thường cho 1.880 trường hợp Dự án rạch Xuyên Tâm

NDO - Ngày 24/10, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Anh Dũng xác nhận, đã triển khai công tác cắm ranh mốc trên thực địa, làm cơ sở để hai quận Bình Thạnh, Gò Vấp thực hiện công tác đo vẽ hiện trạng, kiểm kê nhà đất của các hộ dân; từ đó, triển khai đền bù giải phóng mặt bằng cho 1.880 hộ dân của Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (gọi tắt là dự án rạch Xuyên Tâm).
0:00 / 0:00
0:00
Rạch Xuyên Tâm đi qua quận Bình Thạnh, Gò Vấp ô nhiễm nặng sắp được cải tạo, chỉnh trang.
Rạch Xuyên Tâm đi qua quận Bình Thạnh, Gò Vấp ô nhiễm nặng sắp được cải tạo, chỉnh trang.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách vừa được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt ngày 6/10. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 6.300 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 2.700 tỷ đồng.

Dự án rạch Xuyên Tâm thuộc nhóm A (quy mô kéo dài từ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) đi qua địa bàn quận Bình Thạnh, Gò Vấp do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị làm chủ đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án trong giai đoạn 2023-2028.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, tuyến rạch Xuyên Tâm là một trong những tuyến rạch bị ô nhiễm nặng nề nhất của thành phố trong hơn hai thập kỷ qua chưa được triển khai đầu tư xây dựng cùng với tuyến Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã được đưa vào sử dụng trước đó.

Người dân quanh khu vực sống trong các căn nhà tạm bợ, lụp xụp, ô nhiễm dọc hai bên bờ rạch Xuyên Tâm, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, vừa mất mỹ quan đô thị.

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được chính quyền Thành phố phê duyệt lần đầu tại Quyết định số 2045/QĐ-UBND ngày 14/5/2002, nhưng do nhiều lý do khách quan nên dự án chưa được triển khai.

Sớm bồi thường cho 1.880 trường hợp Dự án rạch Xuyên Tâm ảnh 1

Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố (bìa phải) cho biết, chủ đầu tư nỗ lực để dự án khởi công trong năm 2024.

Theo chủ đầu tư, khi dự án rạch Xuyên Tâm hoàn thành sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu: tình trạng ô nhiễm môi trường, tiêu thoát nước, chống ngập cho khu vực quận Gò Vấp, Bình Thạnh và các khu vực xung quanh.

Dự án hoàn thành còn kết nối cục bộ với nhiều đường giao thông trong khu vực, giảm tải áp lực giao thông cho các trục hiện hữu, như: tuyến đường Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, nối thông tuyến đường Trường Sa chạy dọc kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè.

“Để bảo đảm tiến độ đề ra của dự án, chủ đầu tư cùng hai quận Bình Thạnh, Gò Vấp đang tích cực phối hợp sớm triển khai dự án; ưu tiên trước mắt là có mặt bằng thi công. Muốn vậy, công tác giải phóng mặt bằng cần được địa phương, nhất là người dân đồng thuận về chủ trương”, ông Dũng cho hay.

Theo chủ đầu tư, dự án rạch Xuyên Tâm có khoảng 1.880 trường hợp hộ dân, đơn vị bị ảnh hưởng (gồm 1.865 hộ gia đình và 15 tổ chức). Trong đó, quận Gò Vấp có khoảng 84 trường hợp ảnh hưởng, quận Bình Thạnh khoảng 1.796 trường hợp bị ảnh hưởng (gồm 1.782 hộ gia đình, cá nhân và 14 cơ quan, tổ chức).

Sớm bồi thường cho 1.880 trường hợp Dự án rạch Xuyên Tâm ảnh 2

Một hộ dân ở phường 15, quận Bình Thạnh sống trong cảnh ô nhiễm trên rạch Xuyên Tâm.

Vướng mắc hiện nay khi thực hiện công tác bồi thường được phía chủ đầu tư chia sẻ là hiện quỹ nhà, đất nền tái định cư còn thiếu để bố trí trên địa bàn quận Bình Thạnh là 807 căn.

Về phương án thiếu 807 căn này, qua giám sát, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố yêu cầu, chủ đầu tư bảo đảm quỹ nhà tái định cư cho người dân. Trong đó, thành phố sẽ xem xét cơ chế chi kinh phí để người dân thuê chỗ tạm cư trong khi chờ nhận chỗ tái định cư. Chi phí tạm cư cho người dân trong thời gian chờ bố trí tái định cư được trích trong tổng chi phí đầu tư dự án rạch Xuyên Tâm.

Theo kế hoạch, dự kiến quận Gò Vấp bàn giao mặt bằng để khởi công dự án vào tháng 8/2024 và hoàn thành vào tháng 4/2025; quận Bình Thạnh bàn giao mặt bằng để khởi công vào tháng 4/2025 và hoàn thành công trình vào tháng 4/2028.

Theo quyết định phê duyệt, Dự án rạch Xuyên Tâm có tổng chiều dài tuyến rạch xây dựng là 8.865m, gồm tuyến chính từ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đến sông Vàm Thuật có chiều dài 6.628m và 3 tuyến nhánh (rạch Cầu Sơn, Bình Lợi, Bình Triệu) có tổng chiều dài 2.237m.

Quy mô đầu tư: xây dựng tuyến kè; nạo vét lòng rạch; xây dựng hệ thống thoát nước thải; xây dựng mới đường giao thông dọc hai bên rạch; xây dựng công viên, mảng xanh; chiếu sáng và hào kỹ thuật…