Gần 10 nghìn tỷ đồng để nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm

Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án Nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm (thuộc quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp) với nguồn kinh phí 9.700 tỷ đồng nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Rạch Xuyên Tâm đoạn qua quận Bình Thạnh, ô nhiễm nghiêm trọng.
Rạch Xuyên Tâm đoạn qua quận Bình Thạnh, ô nhiễm nghiêm trọng.

Hàng nghìn hộ dân của dự án này đang quan tâm, mong chờ dự án sớm triển khai, nhất là công tác đền bù giải tỏa và bố trí tái định cư thực hiện sao cho hợp lòng dân…

Tại kỳ họp thứ 8, HÐND thành phố khóa 10 đã thống nhất phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị làm chủ dự án.

Theo đó, tổng nguồn vốn thực hiện dự án là hơn 9.664 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng hơn 6.500 tỷ đồng; thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Ðối tượng thụ hưởng dự án là người dân sinh sống khu vực quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp với khoảng 1.900 hộ dân. Trong đó, quận Bình Thạnh chiếm hầu hết với 1.796 hộ thuộc 7 phường.

Theo lộ trình, từ năm 2021-2025, thành phố sẽ chi gần 6.650 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ, khởi công. Hơn 3.000 tỷ đồng sẽ được chi trong 5 năm tiếp theo (2016-2030) để thi công và quyết toán dự án. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cho biết, dự kiến quận Gò Vấp sẽ bàn giao mặt bằng để triển khai thi công vào tháng 8/2024; quận Bình Thạnh sẽ bàn giao mặt bằng để triển khai thi công vào tháng 4/2025.

Nghe thông tin dự án Nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm chính thức được triển khai sau gần 20 năm có chủ trương đầu tư, ông Lữ Thừa Ðức, ngụ số 1A, đường Nguyễn Xuân Ôn, Phường 2, quận Bình Thạnh khấp khởi: “Chúng tôi thuộc diện phải di dời giải tỏa nên cuộc sống rất bấp bênh, không ổn định, nhất là sinh sống ở nơi hôi thối, tình trạng ô nhiễm nặng. Ðiều tôi mong muốn là thành phố cần quan tâm đến chính sách tái định cư, làm sao chỗ ở mới tốt hơn nơi ở cũ, bảo đảm cho người dân đi lại, mưu sinh, không ảnh hưởng đến việc học hành, làm ăn của các thành viên trong gia đình”.

Cũng với tâm trạng ngóng chờ dự án sớm khởi động, bà Trần Thị Phương Huyền, Tổ trưởng khu phố 1, Phường 15, quận Bình Thạnh, là phường có nhiều hộ dân nằm trong diện giải tỏa thực hiện dự án đề nghị, thành phố và quận nên ghi nhận ý kiến của người dân về chính sách đền bù, tái định cư đồng thời công khai, minh bạch hình thức tái định cư. Làm sao để người dân càng có nhiều cơ hội lựa chọn vị trí tái định cư, loại hình (chung cư hay nền đất) càng tốt.

Ông Lưu Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND Phường 2, quận Bình Thạnh cho biết: Qua khảo sát Phường 2 có 386 hộ dân nằm trong dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm. Phần lớn số hộ này đều ở và sinh sống từ 30 năm trở lên, hiện trạng hầu hết là nhà tạm, khu vực kênh, rạch rất ô nhiễm và không bảo đảm điều kiện sống. Vì vậy, mong muốn của người dân và chính quyền địa phương là chính sách đền bù, giải tỏa sớm được thành phố thông qua, công bố để hộ dân nắm rõ.

Cùng với quyết định thông qua chủ trương đầu tư, HÐND thành phố đề nghị UBND thành phố cùng các sở, ngành khẩn trương thực hiện điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực dự án triển khai. Bên cạnh đó, rà soát các hạng mục dự án nhằm tránh trùng lắp với các dự án khác; đồng thời có giải pháp kết nối đồng bộ với các dự án đang triển khai trong khu vực; bảo đảm tính kết nối đồng bộ, kết hợp chỉnh trang đô thị; phát huy hiệu quả, tránh lãng phí trong đầu tư và phù hợp với quy hoạch phát triển chung của thành phố…

Ðối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, HÐND thành phố đề nghị UBND thành phố cần quan tâm chỉ đạo UBND các quận Bình Thạnh, Gò Vấp tập trung tuyên truyền thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai dự án; tổ chức khảo sát, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư theo đúng tiến độ dự án, bảo đảm đúng quy định pháp luật về đất đai, Luật Ðầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật liên quan.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường nhấn mạnh: Việc ban hành phương án, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần bảo đảm hợp lý và bồi thường thỏa đáng đối với người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, đặc biệt là đối với khu vực giáp ranh giữa hai địa phương. Thành phố sẽ nghiên cứu thực hiện điều tra xã hội học khi xây dựng chính sách tái định cư, ưu tiên bố trí tái định cư đối với các hộ dân đủ điều kiện và hộ dân không đủ điều kiện nhưng có nhu cầu. Ðồng thời, thành phố luôn quan tâm cuộc sống người dân sau tái định cư, bảo đảm nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; cải thiện sinh kế, mang lại lợi ích cho người dân, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật và đầy đủ thiết chế văn hóa-xã hội….

Theo phương án xây dựng của UBND thành phố, nhu cầu nhà tái định cư đối với quận Gò Vấp là 35 căn hộ; địa điểm dự kiến tại Chung cư Khang Gia, Phường 14. Ðối với quận Bình Thạnh, số trường hợp đủ điều kiện tái định cư là 909 hộ, số trường hợp không đủ điều kiện tái định cư, do nhà hoàn toàn trên rạch là 198 hộ. Quận Bình Thạnh sẽ xem xét dùng số lượng quỹ nhà-đất tái định cư còn trống để bố trí tái định cư hoặc nghiên cứu lập kế hoạch đầu tư thêm quỹ nhà tái định cư và nhà ở xã hội.