Sóc Trăng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Ngày 24/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị “Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”. 
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam phát biểu tại hội nghị

Tham dự hội nghị có các nhà khoa học của các viện, trường đại học; lãnh đạo ngành nông nghiệp, các hợp tác xã, hội nông dân, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, địa phương đã khai thác hệ sinh thái đa dạng với 3 vùng mặn, lợ ngọt. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn.

Mỗi năm, sản lượng lúa của tỉnh đạt hơn 2 triệu tấn; thủy sản nuôi trồng đạt 375.257 tấn. Hình thành vùng sản xuất cây ăn trái tập trung để xuất khẩu rất hiệu quả. Chăn nuôi bò hơn 54.500 con, sản lượng sữa bò hằng năm hơn 13.000 tấn.

Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 1,5 tỷ USD, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 90%. Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản 1ha đất nông nghiệp năm 2023 đạt 233 triệu đồng.

Tuy có những lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn tài nguyên vùng ven biển, nhưng Sóc Trăng còn nhiều rủi ro do diễn biến thời tiết phức tạp, biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn.

Sóc Trăng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ảnh 1

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi, thảo luận nhằm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam đề nghị chính quyền các cấp trong tỉnh quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thực hiện có hiệu quả.

Từng bước chuyển đổi tư duy từ “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”. Sản xuất theo xu hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản.

Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã. Xây dựng chuỗi giá trị, tổ chức tốt khâu liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.

Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có thông tin trực tuyến, tổng thể toàn ngành, phục vụ quy hoạch, quản lý, gắn kết chuỗi nông sản với du lịch.

Đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi, chú trọng công tác thủy lợi liên kết vùng, hệ thống kênh trục liên huyện, phục vụ các vùng sản xuất tập trung. Tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận khoa học công nghệ, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.